Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 15 -18/11. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ và cũng là trọng tâm trong chuyến công du châu Á đầu tiên của người đứng đầu nước Mỹ.
Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra là quan hệ giữa “siêu cường” Mỹ và “đại cường” Trung Quốc là đối thủ hay đối tác ?
Quan hệ Trung – Mỹ vốn là quan hệ “đối thủ” trong nhiều chục năm qua, đặc biệt trong thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù quan hệ song phương Trung – Mỹ được bình thường hóa sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972, nhưng quan hệ này vẫn trầm lắng do hai nước vẫn ở hai bờ chiến tuyến của Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa, quan hệ Trung – Mỹ không ngừng được cải thiện.
Về chính trị, trong 2 thập niên gần đây, hầu hết các Tổng thống Mỹ đều có các chuyến thăm chính thức Trung Quốc và xác lập cơ chế đối thoại thường niên. Về an ninh, hai nước đã thiết lập đường dây nóng ở nhiều cấp, cả ở cấp cao nhất. Về kinh tế, thương mại, từ mức giao thương gần như không có gì khi mới bình thường hóa, đến nay kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt trên 400 tỷ USD/năm. Trung Quốc và Mỹ trở thành những đối tác hàng đầu của nhau về kinh tế, thương mại và đầu tư. Về đối ngoại, hai nước cùng là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và đã có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề của thế giới.
Tuy thế, những mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Trung, không vì quan hệ ngày càng được cải thiện mà ngày càng giảm đi. Về chiến lược, Mỹ và Trung Quốc luôn coi nhau như những “đối thủ” tại nhiều khu vực.
Trung Quốc nhìn nhận Mỹ có chiến lược bao vây Trung Quốc khi tăng cường quan hệ nhiều mặt với các nước láng giềng của Trung Quốc như xây dựng chiến lược “chuỗi ngọc” kéo dài từ Nhật Bản, qua Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Trên đất liền, Mỹ không ngừng tiến sâu vào khu vực Trung Á, Tây Nam Á và cả Nam Á để “bao vây” Trung Quốc từ phía Tây…Về kinh tế, Trung Quốc đã dần thay thế Liên minh châu Âu và Nhật Bản trở thành đối tượng chính để Mỹ phát động các cuộc chiến tranh thương mại và thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch…
Đáp lại chiến lược của Mỹ, Trung Quốc cũng từng bước cạnh tranh với Mỹ tại nhiều khu vực chiến lược. Tại Đông Nam Á, một trong những khu vực có tầm chiến lược quan trọng bậc nhất của thế giới, tranh thủ thời kỳ Mỹ “bận tâm” vào cuộc chiến chống khủng bố, vào tình hình Iraq và Afghanistan, Trung Quốc đã tăng tốc nâng quan hệ với khu vực này, vừa đảm bảo lối ra chiến lược của Trung Quốc, vừa phá thế bao vây của Mỹ.
Tại châu Phi, nơi cất giữ nguồn tài nguyên vô giá, rất cần cho sự phát triển trong tương lai của cả thế giới, Trung Quốc đã thay thế các cường quốc phương Tây, kể cả Mỹ, trở thành đối tác quan trọng nhất. Còn ở Mỹ Latinh vốn là sân sau của Mỹ, thì nay Trung Quốc đã chiếm thị phần “ngang ngửa” với Mỹ và có quan hệ thân thiết với đa số các nước trong khu vực.
Nhiều chiến lược gia hy vọng trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama lần này, hai nước sẽ phát đi thông điệp rõ ràng về mối quan hệ giữa hai nước. Bởi mối quan hệ Trung – Mỹ chi phối nhiều mối quan hệ giữa các nước trên thế giới.
Phát biểu tại Tokyo ngày 14/11 trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Obama tuyên bố: Mỹ hoan nghênh vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng trên trường quốc tế và Mỹ không tìm cách kìm hãm Trung Quốc, vì một nước Trung Quốc lớn mạnh và thịnh vượng là một nguồn sức mạnh của cộng đồng các quốc gia và dân tộc. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp không chỉ đáp ứng những lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã có nhiều lời nói tốt đẹp về nhau, song quan hệ giữa hai nước vẫn vừa là đối tác vừa là đối thủ chiến lược trong nhiều năm nữa, trước khi vị thế của hai nước này có những thay đổi đột biến.