|
Sản xuất gạch xây dựng ở xã Thành Thới B. |
Năm 2014, tỷ trọng kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) chiếm 24%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo là 4,18%.
Năm 2010, toàn huyện có 1.646 cơ sở sản xuất TTCN, trong đó có 28 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 18.587 lao động. Đến cuối năm 2014, có 1.837 cơ sở sản xuất TTCN (tăng 191 cơ sở), trong đó có 30 doanh nghiệp và công ty, giải quyết việc làm cho 25.029 lao động. Huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án phát triển CN-TTCN, trong đó quan tâm quy hoạch và đầu tư phát triển Cụm công nghiệp An Thạnh với diện tích 20ha, Khu công nghiệp Thành Thới B; có kế hoạch xây dựng lưới điện, đường vào các cụm, khu công nghiệp và làng nghề phục vụ nhu cầu sản xuất; tích cực vận động các doanh nghiệp tham gia thành lập Chi hội Doanh nghiệp nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, tạo sự phát triển.
Trong những năm qua, nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến trang thiết bị, tạo thêm nhiều sản phẩm mới có chất lượng và khả năng cạnh tranh. Các mặt hàng phát triển mạnh là cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, than gáo dừa, thảm xơ dừa, kẹo dừa và thức ăn gia súc… Các làng nghề được duy trì, phát triển và phát huy hiệu quả, nhất là làng nghề TTCN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dừa. Bên cạnh đó, có trên 8 ngàn hộ tham gia làm hàng gia công như: kéo chỉ xơ dừa, dệt thảm, đan giỏ, đan ghế nhựa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… góp phần tích cực giải quyết lao động việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo ở nông thôn.
Với các chương trình, dự án, kế hoạch được triển khai thực hiện, các ngành CN-TTCN trên địa bàn huyện phát triển đúng hướng, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội huyện. Cơ cấu kinh tế CN-TTCN đã có bước chuyển rõ nét trong nền kinh tế huyện. Năm 2010, tỷ trọng CN-TTCN chiếm 22,23%, đến cuối năm 2014, tỷ trọng kinh tế CN-TTCN chiếm 24% trong nền kinh tế huyện; CN-TTCN phát triển đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng năm 2010 lên 29 triệu đồng/người năm 2014, giảm hộ nghèo từ 9% còn 4,18%.
Tuy nhiên, đa số cơ sở sản xuất CN-TTCN ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; nguồn điện phục vụ cho sản xuất chưa đầy đủ. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, thiếu đồng bộ. Cán bộ công tác trên lĩnh vực này còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu với tình hình phát triển hiện nay. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền thiếu tập trung cao cho lãnh đạo phát triển CN-TTCN; sự phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương với doanh nghiệp chưa đồng bộ; công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai thực hiện còn chậm; kinh phí đầu tư cho phát triển lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.
Để đẩy nhanh phát triển CN-TTCN trên địa bàn, huyện tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; hoàn chỉnh chi tiết và triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, tiếp tục đầu tư và phát huy hiệu quả các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng như đường, điện, bưu chính viễn thông, chợ; tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển CN-TTCN…