 |
Các cơ sở kinh doanh ăn uống cần đảm bảo thực hiện đúng các quy định về ATVSTP. Ảnh: T. Long |
Thời gian qua, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sự chuyển biến tích cực, ý thức của người tiêu dùng và đa số các cơ sở sản xuất thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đó chính là nhờ vào công tác tuyên truyền đa dạng trên diện rộng, phong phú qua báo chí, truyền thanh, truyền hình… Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm ngày càng nghiêm ngặt, đúng đối tượng nhằm giúp cho công tác ATVSTP ngày càng nề nếp hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa tuân thủ
đầy đủ các quy định về ATVSTP, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an
sinh xã hội và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Qua kiểm tra (tháng 8 và
9-2015), đã có 307 cơ sở vi phạm, trong đó có 8 cơ sở bị phạt tổng cộng 18,65
triệu đồng, các cơ sở còn lại được cảnh báo, nhắc nhở; phạt tiền hay không là
tùy theo mức độ vi phạm ít hay nhiều mà đoàn kiểm tra quyết định. Nguyên nhân
vi phạm là do các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không
có giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức ATVSTP, điều kiện cơ sở, trang
thiết bị, dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động chưa đầy đủ cho người trực tiếp chế
biến và sản xuất thực phẩm. Hiện nay, vẫn còn các cơ sở vi phạm các nguyên nhân
trên là do không biết hay cố tình? Đây là vấn đề mà các đoàn thanh tra, kiểm
tra phải có biện pháp xử lý kiên quyết để bảo vệ người tiêu dùng.
Khuyến cáo các cá nhân và cơ sở sản xuất,
kinh doanh, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng khi mua cần biết rõ nguồn gốc,
xuất xứ. Đặc biệt, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải thực hiện đầy đủ các
quy định về ATVSTP, các nội dung vi phạm trên là mầm mống, nguyên nhân gây ngộ
độc cấp tính hay mãn tính.
Những năm qua, trong tỉnh từng xảy ra 21 vụ
ngộ độc thực phẩm, có 793 người mắc, 6 người tử vong. Trong đó, đa số các vụ xảy
ra do thực phẩm nhiễm vi sinh. Có 5 vụ ăn phải thực phẩm có chất độc tự nhiên
làm 20 người mắc, tử vong 6 người là do ăn cóc, cá nóc, sam biển.
Đáng chú ý là ngày 25-10-2015 đã xảy ra một vụ
ngộ độc thực phẩm ở ấp Bến Vựa Bắc, xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri. Khoảng 11 giờ,
sau khi dự tiệc sinh nhật của gia đình ông Nguyễn Văn Đen (ngụ cùng ấp) về, 23
người có dấu hiệu buồn nôn, đau bụng và đi ngoài. Đến sáng 26-10-2015, 23 người
phải nhập viện. Bác sĩ Lê Thị Thu Nhi - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri
cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, một số bị
tiêu chảy; có 2 ca nặng đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu
điều trị. Các bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Theo bác sĩ Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng
Chi cục ATVSTP tỉnh, nguyên nhân gây ngộ độc là do nhiễm vi sinh vật Salmonella
có trong thịt heo quay chưa làm chín kỹ. Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục đã tiến
hành điều tra tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời hướng dẫn các bước làm vệ sinh
môi trường xung quanh lò quay heo. Do cơ sở quay heo sản xuất quy mô gia đình
không có đăng ký kinh doanh nên ngành chỉ dừng lại mức nhắc nhở chủ cơ sở những
quy định về ATVSTP và thực hiện cam kết đảm bảo vệ sinh trong khi sản xuất.
Để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và xã hội,
thiết nghĩ mọi người cần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra bằng các biện pháp
như: chọn các thực phẩm đảm bảo an toàn; nấu kỹ thực phẩm; ăn thực phẩm ngay
sau khi nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm
ăn thừa của bữa ăn trước, trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm
chín; không nên dùng chung dụng cụ chế biến giữa thực phẩm sống và chín; rửa
tay kỹ nhiều lần trước khi chế biến nấu ăn; nơi chế biến và dụng cụ chế biến bảo
quản thực phẩm phải thật sạch sẽ. Chúng tôi mong mọi người hãy là người tiêu
dùng thông minh để có sức khỏe an toàn.