 |
Siêu thị mở nhiều đợt khuyến mãi, giảm giá hàng hóa nhằm thu hút khách hàng. Ảnh: C.Tr |
"Dịp đưa hàng Việt về chợ Ba Vát (Mỏ Cày Bắc) vừa rồi, doanh số đạt đến không ngờ!”, bà Lê Thị Lệ Hoa – Giám đốc siêu thị CoopMart Bến Tre nói. Bởi bà dự kiến chuyến đi chủ yếu để quảng bá sản phẩm Việt tại thị trường nông thôn với doanh số tối đa khoảng 60 triệu đồng nhưng đến giờ cuối của phiên chợ, con số vượt trên 100 triệu đồng. Hiện trung bình mỗi tháng, doanh số kinh doanh tại siêu thị đạt 11 tỷ đồng; trong đó, có đến khoảng 90% tổng số các mặt hàng là sản phẩm Việt. Đặc biệt là sữa uống ngoại nhập hiện đã được thay thế bởi các loại sữa Việt, với giá thành hợp lý, chất lượng cũng được khẳng định.
Thực ra tiêu chí đầu tiên để khách hàng chuyển thói quen tiêu dùng là chất lượng. Một số mặt hàng nhôm, nhựa, bánh trái, nội thất, quần áo thời trang, sản phẩm đông lạnh, hàng đóng gói… đảm bảo chất lượng nhưng giá lại rẻ hơn nhiều, do đó được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Để kích thích người tiêu dùng quan tâm hơn nữa đến hàng Việt, bà Lê Thị Lệ Hoa cho biết, siêu thị đang dùng nhiều biện pháp như tuyên truyền qua chương trình giảm giá “Dịu dàng nét Việt”, cam kết bình ổn giá, đàm phán với nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, có chính sách khuyến mãi, hậu mãi kết hợp với vận động người dân nâng ý thức bảo vệ môi trường bằng cách tặng túi môi trường thời trang, gọn nhẹ và lịch sự.
Hưởng ứng và duy trì sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tại thành phố Bến Tre, có nhiều doanh nghiệp đang thực hiện mạnh chức năng phân phối, quảng bá và xây dựng mạng lưới hàng nội rộng khắp các chợ trung tâm của nông thôn bằng cách có kế hoạch bán hàng lưu động kết hợp tuyên truyền. Như Công ty TNHH Phước Thịnh, tiếp nhận hàng từ các nhà máy chế biến đường về phân phối tại các chợ huyện trong tỉnh từ 4 đến 6 lần trong tháng. Công ty Cổ phần Thương mại Trúc Giang có trên 10 chuyến xe/tháng bán lưu động các mặt hàng mỹ phẩm, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm… tại khắp các chợ xã.
Đúc kết những tồn tại hiện nay trong cuộc vận động dùng hàng Việt, ông Nguyễn Quang Hiền- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thịnh đánh giá nông thôn là đại siêu thị. Người dân có nhu cầu tiếp cận hàng chất lượng, giá cả ổn định và hợp lý. Do vậy, chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn là hợp lý. Tuy nhiên, có một trở ngại là nhiều tiểu thương lại không mấy mặn mà! Thực tế, chính các tiểu thương là đối tượng để thiết lập mạng lưới vệ tinh trong thực hiện chức năng phân phối hàng hóa. Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cần phối hợp ngành công thương giúp người dân lẫn tiểu thương hiểu đây là quyền lợi lâu dài.
Xu thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển buộc các doanh nghiệp phải chủ động nhiều biện pháp nhằm chiếm được lòng tin của khách hàng. Ông Võ Văn Tâm-Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Trúc Giang cho rằng việc đưa hàng về khắp các ngõ ngách của chợ xã trong tỉnh là để thích ứng, đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu hoạt động, Công ty đã thực hiện bán hàng Việt lưu động với phương châm “Kết nối doanh nghiệp Việt”. Qua việc vượt chỉ tiêu doanh thu 20 tỷ đồng/tháng, cho thấy sự thành công của doanh nghiệp khi lựa chọn biện pháp phân phối hàng hóa về nông thôn. Quan trọng hơn là sự khẳng định vị trí của hàng hóa Việt Nam trên thị trường vùng nông thôn.