 |
Niềm vui ngày giải phóng (ảnh chụp tại Di tích Đồng Khởi). |
Kỳ I: Những người điện báo viên tiền phương tác chiến…
Kỳ 2: Những cựu chiến binh hôm nay
Bến Tre giải phóng vào trưa 1-5-1975. Buổi trưa cùng ngày, ông Diếp truyền nhanh tín hiệu về Đài Phát thanh Giải phóng. Bản tin đã được Đài phát vào chương trình phát thanh 18 giờ chiều và phát lại vào 6 giờ sáng hôm sau.
Ông Lê Thanh Sơn - nguyên Trưởng Đài Minh ngữ kể: Ông Ba Giác ở ấp Giồng Chùa, xã Tân Hào (nay là xã Tân Lợi Thạnh, Giồng Trôm) là một nông dân tay lấm chân bùn, chất phác, chí thú làm ăn nhưng hết lòng giúp đỡ cách mạng. Cùng với hàng ngàn người dân nóng lòng chờ đợi tiếng nói của Đài Phát thanh Giải phóng phát từ Hà Nội, ông Ba Giác ôm chiếc máy thu thanh nghe từng chi tiết một. Ngồi nhấm ngụm trà, nghe tin Bến Tre chiến thắng, ông Ba Giác gật đầu, khoái chí khen ngợi: Cách mạng mình tài thiệt, mới đánh tụi nó tơi bời hôm qua mà hôm nay Đài đã đưa tin. Ông Ba Giác đâu biết anh em phóng viên và điện báo viên Đài Minh ngữ vui mừng gấp bội khi chiếc cầu vô tuyến của Đài Minh ngữ đã nối nhịp hai miền Nam - Bắc ruột thịt đưa tin chiến thắng của quân và dân Bến Tre Đồng Khởi vang lừng cả nước.
Trong chiến tranh, những chiến sĩ thông tin chẳng những báo tin vui chiến thắng mà tin vui sản xuất cũng được truyền về Đài Phát thanh Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Những bài của Đài Minh ngữ Bến Tre được phát thanh đã gây tiếng vang như: các trận đánh tàu địch trên sông, nhận chìm và bắn cháy hàng chục tàu chiến và các bài tố cáo tội ác của kẻ thù... Họ đã tác chiến để mang về nguồn tin tức quý giá. Tín hiệu Đài Minh ngữ Bến Tre vang xa mang tin vui chiến thắng của quê nhà đến với mọi miền đất nước.
Đã 37 năm đất nước ta đón khúc khải hoàn ca. Cứ vào dịp kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người điện báo đã tự tay đánh bản tin Bến Tre giải phóng năm xưa lại bồi hồi, rạo rực, lòng dâng đầy cảm xúc khó tả. Ông Diếp nói: Qua bao năm tháng của chiến tranh tôi không nhớ đã đánh bao nhiêu bản tin của tỉnh về Đài Phát thanh Giải phóng, nhưng tôi không thể nào quên ngày 1-5-1975. Tôi vẫn nhớ mãi giây phút vừa đánh bản tin vừa vui mừng vì từ nay nước nhà đã hoàn toàn độc lập. Niềm vui thống nhất, niềm hạnh phúc của chiến thắng đã khỏa lấp được một thời gian khổ mà ông và đồng đội đã vượt qua.
Sau chiến tranh, ông Phạm Văn Diếp về cư ngụ tại ấp Hội Yên, thị trấn Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam). Những đồng đội hoạt động trong tổ điện báo viên cùng ông mỗi người một nơi, có người đã hy sinh. Riêng ông Diếp và ông Lê Thanh Sơn vẫn còn hoạt động trong lĩnh vực thông tin.
Ông Diếp kể, suốt gần 20 năm làm điện báo viên, ông chỉ có nhiệm vụ đánh bản tin, riết rồi cũng quen tay. Hòa bình, ông có điều kiện đi nhiều hơn và cũng tập tành viết báo. Với lòng yêu nghề, ngoài nhiệm vụ là một điện báo viên ông còn kiêm cả phóng viên. Ông là phóng viên thuộc Phân xã Thông tấn xã Việt Nam đóng tại Bến Tre (lúc này ông vẫn còn dùng ma-níp để truyền tin về Thông tấn xã Việt Nam) và cộng tác với Báo Chiến Thắng (nay là Báo Đồng Khởi). Hoạt động ở Phân xã Thông tấn xã đến năm 1980, ông được đi học ngành công nghệ thực phẩm. Khoảng 2 năm sau, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Mỏ Cày thời đó đến lúc về hưu.
Nay, tuổi đã cao nhưng ông Phạm Văn Diếp vẫn được tín nhiệm bầu vào cấp ủy thị trấn Mỏ Cày, một thời ông giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Thị trấn, hiện tại ông làm cán bộ tổ chức Đảng ủy thị trấn Mỏ Cày. Bên cạnh đó, ông còn bỏ nhiều công sức gầy dựng nên Công ty nước uống tinh khiết Hội Yên - một thương hiệu được nhiều người biết đến. Vừa sản xuất, vừa công tác, ông Diếp luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với niềm đam mê ngòi bút, ngày nay, ông còn cộng tác với các bản tin, tờ báo và tham gia viết lịch sử đảng bộ các xã trong và ngoài huyện.