Quốc gia NATO quyết chặn tư cách thành viên của Ukraine

07/10/2024 - 13:45

Thủ tướng của quốc gia thành viên NATO này tuyên bố việc kết nạp Ukraine vào liên minh có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Thủ tướng Slovakia cho rằng việc kết nạp Kiev vào liên minh phương Tây có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn cầu. Ảnh: Global Look Press

Thủ tướng Slovakia cho rằng việc kết nạp Kiev vào liên minh phương Tây có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn cầu. Ảnh: Global Look Press

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố rằng đất nước ông sẽ không cho phép Ukraine gia nhập NATO chừng nào ông còn nắm quyền. Ông Fico cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình STVR ngày 6-10 rằng việc kết nạp Kiev vào liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới.

"Chừng nào tôi còn là thủ tướng của Cộng hòa Slovakia, tôi sẽ dẫn dắt các nhà lập pháp, những người mà tôi có quyền kiểm soát với tư cách là chủ tịch đảng, không bao giờ đồng ý cho Ukraine gia nhập NATO", Thủ tướng Fico nói. "Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là cơ sở tốt cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba".

Là một người từ lâu đã chỉ trích viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây cho Ukraine, ông Fico nhấn mạnh rằng cuộc xung đột phải được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao. Ông liên tục cảnh báo về việc leo thang hơn nữa cuộc xung đột giữa Ukraine với Moskva.

Việc kết nạp các thành viên mới bắt buộc phải được tất cả 32 thành viên hiện tại của NATO chấp thuận, thông qua việc các quốc hội nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối các ứng cử viên mới.

Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9-2022, với lý do là cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Mặc dù nhiều quốc gia phương Tây công khai ủng hộ nguyện vọng của Ukraine, họ lại từ chối cung cấp lộ trình cụ thể hoặc thời gian biểu để gia nhập. Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zenesky thừa nhận vào tháng 7 năm nay rằng "chúng tôi sẽ không ở trong NATO cho đến khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc".

Nga coi việc NATO mở rộng về phía đông là mối đe dọa an ninh và đã coi sự hợp tác của Ukraine với liên minh này là một trong những lý do chính dẫn đến xung đột.

Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga sẽ tương đương với "sự tham gia trực tiếp" của NATO vào cuộc chiến.

Mặc dù phản đối Ukraine gia nhập NATO, nhưng Thủ tướng Slovakia Robert Fico lại ủng hộ tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu của Kiev.

Trong bối cảnh Slovakia đang tìm mọi cách chuẩn bị cho khả năng bị gián đoạn cung cấp dầu khí từ Ukraine vào đầu năm 2025, Thủ tướng Fico đã nỗ lực thuyết phục Kiev duy trì việc vận chuyển khí đốt của Nga. 

Trong một sáng kiến nhằm ngăn chặn những thách thức về nguồn cung năng lượng, ông Fico dự kiến tổ chức cuộc họp chính phủ chung giữa Slovakia và Ukraine vào ngày 7-10 (theo giờ địa phương) để thuyết phục chính quyền Ukraine về tầm quan trọng của việc duy trì dòng khí đốt này. Bất chấp những nỗ lực của mình, Thủ tướng Slovakia vẫn thừa nhận sự chưa chắc chắn về việc đạt được một thỏa thuận có lợi cho Slovakia. Ông nhấn mạnh chính phủ Slovakia sẽ nỗ lực thuyết phục các đối tác Ukraine sử dụng cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev để nhập khẩu năng lượng vào Tây Âu.

Bên cạnh đó, ông Fico nhắc lại sự ủng hộ của Bratislava đối với nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine, mong đợi Kiev hành động hợp lý và có trách nhiệm.

Những lo ngại nói trên trở nên cấp thiết hơn khi đường ống dẫn dầu Druzhba, một tuyến đường quan trọng vận chuyển dầu của Nga tới Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary, sẽ ngừng hoạt động vào ngày 1-1-2025. Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng Châu Âu Kadri Simson đã chỉ ra rằng EU đã sẵn sàng cắt hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sau khi hợp đồng hiện tại kết thúc vào tháng 12-2024.

Trước đó, Ukraine đã chặn đường ống dầu thô Druzhba chạy qua lãnh thổ tới các nước láng giềng Hungary và Slovakia vào tháng 7 với lý do Kiev áp các lệnh trừng phạt đối với công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, Lukoil. Động thái này làm mất đi nguồn cung dầu lớn của hai quốc gia thành viên EU, gây ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng của Hungary và Slovakia.

Các nhà lãnh đạo của Slovakia và Hungary cũng đã lên tiếng cảnh báo có thể thực hiện các biện pháp trả đũa Ukraine nếu Kiev tiếp tục ngăn chặn việc vận chuyển dầu của Nga qua đường ống này.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN