Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: AA/TTXVN
Theo tờ Politico, Hungary ngày 22-7 đã yêu cầu EU có hành động với Ukraine vì đã áp đặt lệnh cấm một phần đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, với lý do động thái này gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của Budapest.
Tháng trước, Ukraine đã áp dụng lệnh trừng phạt chặn đường ống vận chuyển dầu thô đến Trung Âu do công ty dầu Lukoil của Nga, bán ra, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Hungary. Budapest phụ thuộc vào Moskva cho 70% lượng dầu nhập khẩu của mình, trong đó Lukoil chiếm một nửa.
“Quyết định của Ukraine về cơ bản đe dọa đến an ninh nguồn cung tại Hungary. Đây là một bước đi không thể chấp nhận được của Ukraine, quốc gia muốn trở thành thành viên của EU và chỉ với một quyết định duy nhất đã khiến nguồn cung dầu rơi vào nguy hiểm”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó, phát biểu tại một cuộc họp của các đại diện EU ở Brussels.
Ông Szijjártó tuyên bố rằng động thái của Kiev "rõ ràng vi phạm" thỏa thuận liên kết năm 2014 của EU với Ukraine. Hungary và Slovakia - cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm - hiện đã bắt đầu đàm phán với Ủy ban châu Âu, một bước đi trước hành động pháp lý.
Kiev lập luận rằng họ chỉ đang tìm cách cắt giảm nguồn thu chính của Nga để duy trì xung đột ở Ukraine, với ước tính cho thấy Moskva đã thu về 180 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ vào năm ngoái.
Căng thẳng ngoại giao leo thang diễn ra khi quan hệ giữa Ukraine và Hungary xuống mức thấp nhất, với tuần trước Kiev chỉ trích Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vì đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một "sứ mệnh hòa bình".
Động thái của Ukraine cũng gây ra phản ứng dữ dội ở Slovakia, nơi cũng phụ thuộc rất nhiều vào Nga về dầu mỏ. Lệnh cấm của Kiev đã gây ra phản ứng dữ dội từ Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
"Slovakia không muốn trở thành con tin của mối quan hệ Ukraine - Nga", ông Fico nói, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal. Lệnh cấm có nghĩa là nhà máy lọc dầu Slovnaft trung tâm của Slovakia sẽ "nhận được ít hơn 40% lượng dầu so với nhu cầu", ông Fico cho biết, lập luận rằng nó cũng sẽ làm giảm lượng nhiên liệu xuất khẩu của Slovakia sang Ukraine, chiếm 1/10 lượng tiêu thụ của Kiev.
Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào khối này bằng đường biển, nhưng vẫn cho phép các quốc gia không giáp biển như Hungary, Slovakia và CH Séc tiếp tục mua dầu thông qua đường ống Druzhba từ Nga sang châu Âu cho đến khi họ tìm được giải pháp thay thế.
Nhưng theo Isaac Levy, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, Budapest, nước đã khiến Ukraine tức giận khi trì hoãn lệnh trừng phạt của EU đối với Nga và ngăn cản nỗ lực gia nhập khối của Kiev, vẫn chưa tìm kiếm các lựa chọn khác.
“Lý do EU miễn trừ cho Hungary là để họ có thời gian giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga thông qua đường ống này Nhưng khi xem xét dữ liệu từ năm 2021, Hungary đã tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga qua đường ống này lên hơn 50%”, chuyên gia Levy tiết lộ.
Nguồn: TTXVN