Quốc hội Đức phê duyệt ngân sách bổ sung cho năm 2023

15/12/2023 - 21:03

Quốc hội Đức đã phê chuẩn đề xuất của liên minh cầm quyền về đình chỉ quy định "phanh nợ" thêm một lần nữa, trước khi thông qua ngân sách bổ sung cho năm 2023.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội Đức ở Berlin ngày 2-3-2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quang cảnh phiên họp Quốc hội Đức ở Berlin ngày 2-3-2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 15-12, Quốc hội Đức đã phê chuẩn đề xuất của liên minh cầm quyền về đình chỉ quy định "phanh nợ" thêm một lần nữa, trước khi thông qua ngân sách bổ sung cho năm 2023.

Quyết định này được đưa ra sau 1 tháng đàm phán căng thẳng trong liên minh cầm quyền, do phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang không cho phép chính phủ chuyển mục đích sử dụng khoản tín dụng 60 tỷ euro (tương đương 65 tỷ USD) dành cho đại dịch COVID-19 sang Quỹ Chuyển đổi Xanh.

Đầu tuần này, liên minh 3 đảng cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã đạt được thỏa thuận chi tiêu cho năm 2024, trong đó có nhiều khoản cắt giảm mạnh.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách kéo dài 1 tháng qua, các nhà lập pháp Đức đã phải phê duyệt việc một lần nữa đình chỉ áp dụng quy định "phanh nợ," vốn được ghi trong Hiến pháp nhằm hạn chế nợ công liên bang ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), để trang trải các chi phí như trợ cấp năng lượng cho người tiêu dùng. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Quốc hội Đức buộc phải tạm dừng áp dụng quy định "phanh nợ."

Theo luật pháp Đức, việc vay vượt mức trần cho phép chỉ được áp dụng trong trường hợp thiên tai hoặc trường hợp khẩn cấp “nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của nhà nước."

Chính phủ liên minh của Đức biện minh cho việc cần phải vay mượn nhiều hơn quy định dựa trên một số lý do, bao gồm chi phí năng lượng tăng mạnh do cuộc xung đột Nga-Ukraine và các nỗ lực tái thiết sau trận lũ lụt năm 2021 ở miền Tây nước Đức.

Khoản nợ mới dự kiến trị giá 70,61 tỷ euro (77,39 tỷ USD), cao hơn 44,8 tỷ euro so với giới hạn vay cho phép.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN