Quốc hội thông qua 2 nghị quyết về xây dựng luật và chương trình giám sát

08/06/2024 - 16:44

Chiều 8-6-12024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tỷ lệ 463/465 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 95,07% tổng số ĐBQH).

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo hướng bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình.

Những nội dung này dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. 

Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại đợt 2 của kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1-8-2024.

Ban đầu 3 luật này sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025.

Nhiều luật mới được trình vào hai kỳ họp tiếp theo

Theo Nghị quyết được thông qua, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới đây, các luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến gồm Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Điện lực (sửa đổi).

Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp với Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tại kỳ họp thứ 9 dự kiến vào tháng 5/2025 sẽ trình Quốc hội thông qua 12 luật và 1 nghị quyết, trong đó có Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND...

Kỳ họp này sẽ cho ý kiến 10 dự án luật như: Luật Cấp, thoát nước; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)...

Tại kỳ họp thứ 10 dự kiến vào tháng 10/2025 có 10 luật dự kiến trình Quốc hội thông qua.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các cơ quan có liên quan xem xét, quyết định bổ sung theo thẩm quyền các dự án trình Quốc hội cho ý kiến. Quốc hội yêu cầu:

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, bảo đảm thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;

Không trình dự án không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng, tiến độ; không đề nghị bổ sung dự án, dự thảo vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp hoặc trong kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách;

Đặc biệt tăng cường kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

* Cũng trong chiều nay, với 466/467 ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức giám sát chuyên đề này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao". 

Cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN