Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ Bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN
Sáng nay, 29-6-2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả cho thấy có 454 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 93,42 %).
Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); trong đó quy định về cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội...
Giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Trình bày báo cáo trước khi thông qua luật, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự thảo luật đã cơ bản thể chế hóa các chỉ đạo, quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; hướng tới xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến bộ, tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết để có thể xây dựng lộ trình giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cần phải có đánh giá tác động đầy đủ cả về kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách nhà nước và tác động tổng thể đến việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội để khi về già có lương hưu.
Theo đó, khoản 3 điều 21 dự thảo luật đã quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.” Khoản 1 điều 22 cũng quy định trình tự, thủ tục để địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và nguồn lực khác để nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật.
Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo phương án 1 là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
“Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần,” Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh thông tin.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn, như: Bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội.
Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW “giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta.
Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này.
Quy định trách nhiệm về xử lý việc chậm đóng bảo hiểm xã hội
Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết có ý kiến đề nghị cần rà soát các quy định của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong việc xử lý đối với doanh nghiệp đã vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Nguồn ảnh: TTXVN
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, theo đó, đã bỏ quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại điều 40 và 41 của dự thảo luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại khoản 3 điều 35 dự thảo luật.
Về cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 347/BC-CP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 141 điều, (tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với luật hiện hành) cùng 9 nhóm điểm mới như: Quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cùng với đó, dự thảo luật mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội như giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản; dành riêng 1 chương để quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng.
Nguồn: Vietnam+