Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

22/11/2024 - 10:51

BDK.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV, sáng ngày 22-11-2024, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi).

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được QH khóa XII, tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3-6-2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2009 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần.

Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong nước, đặc biệt là trong thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển; góp phần đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế TNDN cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể:

Thứ nhất, tính ổn định của chính sách thuế TNDN còn chưa cao. Trong giai đoạn vừa qua, một số nội dung chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi kịp thời để xử lý các tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi này trên một số mặt đã ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, gây khó khăn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Một số nội dung chính sách khi ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tiễn cũng như điều kiện tổ chức thực hiện, sự đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nên trong quá trình thực hiện còn vướng mắc.

Thứ hai, một số quy định của Luật thuế TNDN hiện hành qua một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay như các vấn đề liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ; chưa có chính sách ưu đãi thuế (thuế suất, phương pháp tính thuế) nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước khuyến khích gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn hạn chế; lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian qua có xu hướng ngày càng dàn trải trong khi một số lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích lại chưa có chính sách ưu đãi (như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khoa học và công nghệ,...); chính sách ưu đãi thuế TNDN còn được quy định tại các văn bản chuyên ngành, ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính sách thuế; đồng thời, các quy định về điều kiện, nguyên tắc áp dụng và chuyển tiếp ưu đãi thuế cũng đang phát sinh vướng mắc và có sự chưa thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thứ tư, pháp luật về thuế TNDN đang bộc lộ một số “khoảng trống” trong việc điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh đang đặt ra trong quá trình tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, xử lý các vấn đề thuế quốc tế như việc tham gia Diễn đàn Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) hay Sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu gần đây. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn BEPS và đã cam kết thực hiện tối thiểu 4 hành động trong khuôn khổ Diễn đàn này.

Theo đó, một số nội dung của chính sách thuế trong đó có chính sách thuế TNDN cũng cần phải được rà soát để có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế, đặc biệt là xử lý hiệu quả các hành vi trốn thuế, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Chính vì vậy đòi hỏi phải sửa đổi Luật thuế TNDN để đáp ứng nhu cầu mà thực tiễn đặt ra. Với mục đích nhằm hoàn thiện các quy định về chính sách thuế TNDN để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.  

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật thuế TNDN để khắc phục được các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua; tháo gỡ được các bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về thuế TNDN nhằm đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất và ổn định của chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN.

Nhằm đảm bảo ổn định nguồn thu cho NSNN, góp phần cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững; có giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế hiệu quả các hành vi dịch chuyển lợi nhuận làm xói mòn cơ sở thuế.

Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) gồm 4 Chương, 20 Điều, cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung, gồm 5 Điều (từ Điều 1 đến Điều 5). Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế, gồm 06 Điều (từ Điều 6 đến Điều 11). Chương III. Ưu đãi thuế TNDN, gồm 7 Điều (từ Điều 12 đến Điều 18). Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 19 và Điều 20). Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 17 điều của Luật Thuế TNDN hiện hành, bỏ 1 điều quy định về nơi nộp thuế; đồng thời, bổ sung 1 điều quy định về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế TNDN, về thu thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tại dự thảo Luật gồm: về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế TNDN; về thu nhập được miễn thuế; về kỳ tính thuế, căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; về thuế suất thuế TNDN; về nơi nộp thuế; về ưu đãi thuế TNDN.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH thì Luật Thuế TNDN sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 của QH khóa XV.

Ý Nhiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN