Ít nhất thì cuộc khủng hoảng tài chính cũng làm được một việc tốt, đó là nối kết thế giới. Đứng trước tình thế không ai muốn, các nền kinh tế toàn cầu đã gạt sang bên những nghi ngờ, mâu thuẫn, xích lại gần nhau, chung lưng đấu cật. Hơn lúc nào hết, người ta hiểu rõ ý nghĩa sức mạnh đoàn kết của "Bó đũa".
1. Hội chứng "made in China"
 |
Từ sữa cho tới thảo dược, thuốc tiêm, đồ chơi, đều có vấn đề. (Ảnh: Corbis) |
Người tiêu dùng khắp thế giới đang có một hội chứng về hàng hóa "made in China". Dư âm scandal cỏn chưa hết thì một loạt bê bối mới về chất lượng hàng Trung Quốc đã bị phát hiện. Từ dược thảo, thuốc tiêm, đậu đông lạnh, cho tới đồ chơi trẻ em xuất khẩu, đều nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hơn lúc nào hết, đạo đức kinh doanh và uy tín thương hiệu ở Trung Quốc được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu.
2. Tấn công để mờ nhạt
 |
McCain tấn công để rồi mờ nhạt trước Obama. (Ảnh: Corbis) |
Tấn công không hẳn là một biện pháp tốt trong tranh luận, bởi đôi khi điều đó có thể khiến cử tọa yêu quý phe phòng thủ hơn, nhất là khi người phòng thủ luôn điềm đạm, không hề nao núng. Điều đó có lẽ đúng trong cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ lần 3 hôm 15/10. Ứng viên đảng Cộng hòa McCain không ngừng công kích đối thủ Dân chủ Obama, nhưng chung cuộc dư luận vẫn nghiêng về Obama nhiều hơn, thậm chí có báo còn bình rằng McCain không những không lật ngược được thế cờ, mà còn giúp Obama thắng thế hơn. Tuy vậy, ai thắng ai thua vẫn còn phải chờ thêm 2 tuần nữa mới rõ ràng.
3. "Không có chiến tranh"
 |
"Đối thoại vẫn là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp". (Ảnh: Corbis) |
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 17/10 về cuộc tranh chấp lãnh thổ tại khu vực đền thờ Preah Vihear với Thái Lan. Hôm 15/10, quân đội hai bên đã nổ súng vào nhau khiến 2 lính Campuchia thiệt mạng, 7 lính Thái Lan bị thương. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, đối thoại vẫn là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp. Trước đó, hồi tháng 8, cuộc đàm phán biên giới giữa hai nước đã buộc phải hoãn lại do tình hình chính trị căng thẳng ở Thái Lan.
4. Động thái tích cực
 |
Tiến trình giải trừ hạt nhân đã có bước đi mới tích cực. (Ảnh: Corbis) |
Các thanh tra của Liên hợp quốc hôm 14/10 đã tái niêm phong thiết bị ở khu liên hợp hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sau thỏa thuận khởi động lại tiến trình giải trừ hạt nhân. Việc Bình Nhưỡng tiếp nhận trở lại thanh tra hạt nhân quốc tế là một động thái tích cực, sau việc Washington tuyên bố 3 ngày trước đó đã đưa quốc gia Đông Bắc Á này ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Trong một diễn biến khác, hôm 15/10, Nga và CHDCND Triều Tiên đã cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
5. Mâu thuẫn và áp lực
 |
Mâu thuẫn và áp lực tiếp tục đẩy Thái Lan vào vòng xoáy. (Ảnh: Corbis) |
Nhiều đường phố ở thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm 17/10 lại bị tê liệt bởi người biểu tình chống Chính phủ. Trước đó, các chuyên gia pháp y cho rằng trong vụ xung đột ngày 7/10, cảnh sát đã dùng đạn hơi cay có chất nổ gây sát thương với người biểu tình. Tướng Anupong Paojinda, Tổng Tư lệnh quân đội, hôm 16/10 tuyên bố Thủ tướng Somchai Wongsawat nên từ chức để nhận trách nhiệm đối với vụ việc này. Trong khi đó, Uỷ ban chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan, hôm 16/10, kết luận ông Somchai đã xao lãng nhiệm vụ khi còn làm ở Bộ Tư pháp. Với phán quyết này, ông Somchai có thể sẽ phải từ chức ngay lập tức.
6. Xích lại gần nhau
 |
"Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao". (Ảnh: Corbis) |
Cuộc khủng hoảng tài chính ít nhất cũng có mặt tốt, đó là khiến thế giới xích lại gần nhau hơn. Trong một nỗ lực ngăn chặn đà lan rộng của cuộc khủng hoảng, tuần qua, một loạt nền kinh tế lớn đã đồng loạt đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo tính thanh khoản của thị trường. Mỹ và châu Âu đã đưa ra nhiều gói tài chính, đảm bảo hệ thống ngân hàng không bị đổ vỡ. Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN nỗ lực thúc đẩy thiết lập hệ thống hối đoái đa phương. Những động thái này đã tác động tích cực đến thị trường tài chính toàn cầu, ít nhất là trong những ngày đầu tuần qua.