Trong tuần qua, bên cạnh những vấn đề thời sự khác, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Thông tư số 17/2012 ban hành ngày 16-5-2012, nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là “liều thuốc” hữu hiệu để “chữa trị” tận gốc mặt tiêu cực của hoạt động dạy thêm, học thêm (DTHT)?
Những điểm mới cơ bản của Thông tư so với quy định cũ ban hành năm 2007 là: không dạy thêm (DT) đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đối với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia DT ngoài nhà trường. Tổ chức DTHT ngoài nhà trường phải công khai tại địa điểm tổ chức DT, danh sách người DT, thời khóa biểu, mức thu tiền; mở rộng đối tượng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động DTHT cho chính quyền các cấp, cơ quan thanh tra Nhà nước…
Anh Nguyễn Văn Quân, ngụ tại xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre), khi chờ đón con đang học lớp 7, chia sẻ, đã có nghe thông tin của Bộ về hoạt động DTHT. Anh hoàn toàn đồng ý với những quy định đặt ra. “Quy định đã có rồi, nhưng chế tài xử lý liệu có đủ sức răn đe người vi phạm?” - anh Quân băn khoăn. Còn chị Nguyễn Thị Ngọc (phường 8 - TP. Bến Tre), đang có con học tiểu học, thì băn khoăn về quy định không cho phép DT học sinh tiểu học. Theo chị Ngọc, tuy là còn nhỏ tuổi nhưng nhu cầu nâng cao trình độ học tập vẫn có ở đối tượng này. Gia đình chị không ai có thời gian để thường xuyên dạy con học. Đồng tình với chị Ngọc, anh Hồ Minh Thể, ngụ tại phường 3 (TP. Bến Tre) có con đang học lớp 4, tâm sự: “Trước giờ, tôi không cho con đi học thêm. Học kỳ rồi, do gia đình có hữu sự ngay thời điểm trước khi thi học kỳ, không có thời gian để kèm cặp việc học tập của con. Kết quả là thành tích học tập của con tôi không được tốt”. Anh Thể cho rằng, nếu cấm tuyệt đối việc DT ở bậc tiểu học thì trong trường hợp trên, con anh không có người hướng dẫn học tập.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, bản chất của việc DTHT là tốt nếu xuất phát từ nhu cầu nâng cao kết quả học tập. Bởi, DTHT giúp củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh; phụ đạo học sinh có học lực yếu kém; bồi dưỡng học sinh khá giỏi; ôn tập để thi vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng DTHT tràn lan, có dấu hiệu tiêu cực. Vì vậy, tinh thần của Thông tư mới là không cấm việc DTHT mà nhằm tạo điều kiện phát huy mặt tích cực của việc DTHT thông qua việc khuyến khích DTHT trong nhà trường và ngăn chặn mặt tiêu cực bằng quy định cấm giáo viên tổ chức DTHT ngoài nhà trường. Sở sẽ sớm triển khai quy định này để làm cơ sở cho các đơn vị quản lý hoạt động DTHT; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành qui chế để quản lý hoạt động DTHT tại địa phương theo quy định mới thay thế Quyết định số 20/2007.
Ông Võ Văn Luyến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bến Tre cho rằng, Thông tư số 17 hình như đã “bỏ quên” đối tượng nhà giáo nghỉ hưu trong hoạt động DTHT. Vì đây là đối tượng rất dễ vi phạm quy định “không DT đối với học sinh tiểu học”. Năm học 2011-2012, đối với bậc THCS, các trường đều có tổ chức DTHT tại trường cho học sinh lớp 9 (trừ Trường THCS Mỹ Hóa do dạy học 2 buổi/ngày). Đối với DTHT ngoài nhà trường, tất cả trường hợp hoạt động đều phải có giấy phép của Phòng. Đây là điểm mới nhằm chấn chỉnh quản lý hoạt động này. Cũng trong năm học, Phòng đã tiến hành lập đoàn thanh tra 8 đơn vị và 23 cá nhân. Kết quả, phát hiện, xử lý sai phạm đối với hai giáo viên tiểu học DT vượt số lượng quy định, một giáo viên THCS DT tại nhà một buổi ba nhóm liên tục và không báo lịch giảng dạy, đơn xin phép.
Đến ngày 1-7-2012, Thông tư số 17 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định, đánh giá về tính khả thi của quy định mới đối với thực tiễn hoạt động DTHT. Thiết nghĩ, bên cạnh những giải pháp mang tính pháp lý, ngành giáo dục phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh. Có như vậy thì việc dạy và học mới đi vào thực chất, tránh bệnh thành tích ảo, tạo điều kiện cho DTHT tràn lan.