Chồng tôi sử dụng căn nhà để làm cửa hàng bán phân bón và thuốc trừ sâu (anh ấy
là kỹ sư nông lâm). Tôi ở nhà nuôi dạy con và đang học lớp dược sĩ năm cuối. Gần
đây, do thất bại trong việc mua bán nên chồng tôi muốn chuyển sang làm việc
khác nhưng tôi không đồng ý. Vợ chồng tôi phát sinh mâu thuẫn và anh ấy làm đơn
ra tòa xin ly hôn với tôi.
Tại tòa, chúng tôi đã thỏa thuận tất cả các vấn đề chung.
Tuy nhiên, tôi có yêu cầu là anh A. phải giao lại căn nhà cho tôi để sau này
tôi mở cửa hàng bán thuốc tây. Tôi đồng ý trả lại ½ giá trị căn nhà cho anh A.
nhưng anh không đồng ý mà còn yêu cầu được nhận căn nhà và trả lại cho tôi số
tiền trị giá ½ căn nhà. Gần đây, theo tôi biết thì khu vực này đã không còn cho
kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu nữa vì sợ gây ô nhiễm môi trường.
Xin hỏi: Khi tòa phân xử thì phần ưu tiên thuộc về ai? Ai
sẽ nhận nhà và ai sẽ nhận tiền? Tôi rất muốn nhận căn nhà, vậy phải làm
sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật
sư Bến Tre) tư vấn như sau:
Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ
chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền
được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ
được hưởng. Trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.
Đối chiếu với quy định này thì ông A. (chồng bà) là người
đang quản lý sử dụng căn nhà để kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu. Ông A. là kỹ
sư nên có đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này. Hơn nữa, ông A. đã trực tiếp
kinh doanh mua bán phân bón, thuốc trừ sâu từ năm 2006 đến nay mà bà không có ý
kiến gì, nên ông A. sẽ được ưu tiên nhận căn nhà để tiếp tục kinh doanh; còn bà
sẽ phải nhận số tiền bằng giá trị phân nửa căn nhà do ông A. giao lại.
Tuy nhiên, trong việc này cũng cần làm rõ vấn đề xem từ
khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn gia đình đến nay, ông A. còn sử dụng căn nhà để
tiếp tục kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu hay là không còn nữa? Bà có sử dụng
căn nhà này hay không và vào mục đích gì? Trường hợp ông A. không còn sử dụng
căn nhà để làm nơi mua bán, thì bà vẫn có quyền yêu cầu nhận nhà để tòa án xem
xét.
Mặt khác, bà có thể đến cơ quan quản lý kinh doanh, hỏi
thăm xem khu vực này có còn được phép mở cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu mới
không (vì sợ ảnh hưởng đến môi trường). Nếu nơi đây không được phép mở cửa hàng
kinh doanh mặt hàng trên, thì đây là cơ sở để bà yêu cầu tòa cho phép nhận nhà
và trả tiền lại cho ông A.
Bà có thể gửi các loại giấy tờ cho cơ quan tòa án để được
xem xét, bao gồm: giấy xác nhận hoặc giấy tờ khác chứng minh bà đang theo học lớp
dược sĩ; các giấy tờ chứng minh việc kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu đang ảnh
hưởng vệ sinh môi trường trong khu vực; hoặc giấy tờ chứng minh ông A. đã bỏ việc
kinh doanh từ khi có mâu thuẫn gia đình xảy ra… Tất cả các giấy tờ nêu trên, bà
phải thu thập hoặc yêu cầu tòa án thu thập để chứng minh việc yêu cầu nhận nhà
của mình là có cơ sở.