Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018

18/11/2018 - 19:12

Tại Kỳ họp thứ 5, ngày 12-6-2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tố cáo năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4729/UBND-NC ngày 10-10-2018, về việc tổ chức tuyên truyền Luật Tố cáo năm 2018, Báo Đồng Khởi tiếp tục thông tin cùng bạn đọc về những nội dung cơ bản của luật.

Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.

Theo Điều 9 của luật quy định các quyền cho người tố cáo như: thực hiện quyền tố cáo theo quy định của luật này; được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo.

Điều 9 của luật quy định người tố cáo có các nghĩa vụ sau: cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của luật này; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Đ.Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN