Xe chuyển nước ngọt hỗ trợ Bến Tre mùa hạn mặn.
Thiệt hại từ hạn mặn
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 5.115ha lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 thiệt hại do người dân tự ý xuống giống không theo khuyến cáo của tỉnh. Có khoảng 20.000ha cây trái, 72.320ha dừa, 1.490ha rau màu, hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị thiệt hại nặng do thiếu nước tưới. Có 722ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị thiệt hại dưới 30%, khoảng 1.100 tấn nghêu bị chết. Phần lớn diện tích vườn cây trái, cây giống, hoa kiểng bị thiếu nguồn nước tưới, nếu tình hình mặn tiếp tục kéo dài thì thiệt hại càng nghiêm trọng hơn.
Đối với cấp nước sinh hoạt, hiện nguồn nước của các nhà máy nước (NMN) trên địa bàn đều bị nhiễm mặn vượt mức cho phép; độ mặn trung bình nguồn nước cấp ra dao động ở mức 4%o, không thể dùng để ăn uống và rất khó khăn trong sinh hoạt. Người dân phải đổi nước bình để ăn uống và đổi nước từ các phương tiện vận chuyển như xe, sà lan để phục vụ sinh hoạt. Do vậy, đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách càng trở nên khó khăn hơn. Đối với các cơ quan công cộng, dịch vụ có nhu cầu sử dụng nước chất lượng cao như bệnh viện, khách sạn, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã tăng cường các giải pháp cung cấp nước sạch từ các NMN ngoài tỉnh. Ngoài ra, các NMN phải hoạt động liên tục, hết công suất; đặc biệt là các NMN có lắp đặt hệ thống lọc mặn RO gây tắt màng lọc, suy giảm tuổi thọ, hư hỏng máy móc, thiết bị.
Tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Việc sử dụng nước nhiễm mặn sẽ làm suy giảm chất lượng sản phẩm, hư hỏng, giảm tuổi thọ các máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu sử dụng nước ngọt từ nơi khác vận chuyển đến thì chi phí tăng cao. Điển hình, đối với một số doanh nghiệp ngành dừa trong tỉnh hiện nay tạm ngưng sản xuất, một số ít sản phẩm sản xuất cầm chừng.
Xâm nhập mặn đã làm chậm tiến độ thi công một số công trình, do hạn chế nguồn nước ngọt phục vụ thi công. Hiện các nguồn nước dự trữ để phục vụ cho cây xanh đô thị cũng đã bắt đầu cạn kiệt.
Các giải pháp ứng phó
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn cho người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng; hướng dẫn người dân các biện pháp tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh xảy ra trong mùa khô. Bên cạnh việc nhắn tin qua Zalo, Facebook, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, đài truyền thanh các huyện, xã, phường, thị trấn thường xuyên thông tin về diễn biến tình hình xâm nhập mặn. Xây dựng và phát sóng các chuyên mục hướng dẫn các biện pháp phòng chống, ứng phó để người dân biết và thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, phát huy tính chủ động của người dân trong ứng phó hạn mặn.
Nhiều hộ dân vùng cây trái, chăn nuôi đã chủ động trữ nước ngọt trong mương vườn. Tỉnh đã bố trí gần 50 điểm đo độ mặn nhằm tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, kênh, rạch, các công trình đầu mối, các NMN để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Đôn đốc chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang triển khai để đưa vào vận hành ngăn mặn, trữ ngọt. Nạo vét khoảng 260km kênh, mương nội đồng với tổng khối lượng gần 800 ngàn mét khối. Vận hành hồ chứa nước Kênh Lấp tại Ba Tri với trữ lượng 800 ngàn mét khối nước, đã tạo nguồn cung cấp ổn định cho các NMN phục vụ khoảng 200 ngàn người dân khu vực thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Thực hiện đắp các đập tạm trên kênh Sông Mã, kênh Xáng, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre; đập tạm trên kênh Cây Da, xã An Hiệp, huyện Châu Thành; đập tạm trên sông Ba Lai...
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Văn Hùng cho biết, công ty đã thuê phương tiện mua, vận chuyển nước ngọt cung cấp cho các bệnh viện, một số công ty, doanh nghiệp, khách sạn, người dân trên địa bàn với tổng lượng nước đã cung câp được gần 16 ngàn mét khối. Hiện trung bình mỗi ngày, công ty vận chuyển 2.000m3 về cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Công ty đang tiếp tục lắp đặt các điểm cung cấp nước ngọt tại TP. Bến Tre và một số địa phương lân cận.
Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tài trợ cho Bến Tre 3.087 thiết bị, bồn trữ nước các loại, 300 dụng cụ chứa nước, 2.000 thùng nước uống loại 20 lít, 200 máy lọc nước gia đình, 12 máy lọc nước mặn, lắp 18 điểm nước uống miễn phí, 9.000m3 nước ngọt, 40 ngàn lít nước Aquafina. Ngoài ra, nhiều cá nhân trong cộng đồng đã có nhiều việc làm tốt, đầy ý nghĩa trong việc chia sẻ, hỗ trợ miễn phí nguồn nước ngọt giúp người dân giảm bớt phần nào khó khăn trong điều kiện hạn mặn kéo dài.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, trước mắt, tăng cường theo dõi độ mặn để kịp thời bơm bổ sung cấp nước vào các hồ chứa, đập tạm khi có nguồn nước ngọt. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ người dân trong ứng phó xâm nhập mặn. Vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO đã được trang bị tại các NMN, tăng cường vận chuyển nước ngọt cung cấp cho bệnh viện, trạm y tế, trường học, khu công nghiệp...
Về lâu dài, ưu tiên nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm như công trình dự án JICA 3; các hạng mục còn lại của dự án Nam - Bắc Bến Tre; nhất là gia cố hệ thống đê bao ven sông. Đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực cù lao Minh. Nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại các huyện ven biển. Khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm vùng sinh thái.
Theo thống kê của các ngành và địa phương, thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay là rất lớn. Đã tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Ước tính giá trị thiệt hại có thể cao hơn nhiều so với đợt xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016, chỉ riêng ngành nông nghiệp thiệt hại trên 1.800 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: Hương Thu