Phạm Hùng Chiến và Nguyễn Văn Phương đang đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo Chiến đã bước sang tuổi 48, bị cáo Phương vừa tròn 26 tuổi. Cả hai cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP. Bến Tre truy tố về tội “Trốn khỏi nơi giam”.
Khoảng 13 giờ ngày 25-6-2011, trong lúc tuần tra, lực lượng bảo vệ Công an trại giam Bình Phú phát hiện phạm nhân bỏ trốn, nên liền đuổi theo và bắt được Nguyễn Văn Phương. Cùng bỏ trốn với Phương có Phạm Hùng Chiến, y lẩn trốn đến ngày 2-7-2011 thì bị bắt. Tại tòa, hai bị cáo Chiến và Phương đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Tòa hỏi bị cáo Chiến: “Bị cáo có ý định trốn trại khi nào?”. “Dạ… lúc bị cáo thấy mấy mảnh vỡ gạch men… tức ngày 24-6”, Chiến trả lời. “Vì sao bị cáo muốn trốn trại?”. “Dạ… bị cáo muốn ra ngoài”. Tòa vấn: “Bị cáo muốn được tự do, sao bị cáo không chấp hành tốt nội quy trại giam để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước?”. Chiến ấp úng: “Dạ…dạ…”. Chiến cúi đầu. “Bị cáo có suy nghĩ gì khi bị cáo đã có 4 tiền án về tội trộm cắp tài sản, nhưng không chịu cải tạo tốt để được trở về sum họp với gia đình mà lại tiếp tục phạm tội?”. Chiến lại ấp úng.
Chiến và Phương đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Bình Phú Công an tỉnh Bến Tre. Trưa ngày 24-6-2011, Chiến thấy một số mảnh vỡ gạch men (dán trên bệ xi-măng cho phạm nhân nằm ngủ) bị bể nên cất giấu rồi dùng mảnh vỡ này lén lút cứa vào khung lưới B40 rào trên nóc khu tắm nắng trong buồng giam. Sau đó thì trốn trại. Chiến nhảy xuống mương nước trốn, đến ngày 2-7-2011 thì bị lực lượng bảo vệ trại giam bắt.
Tòa hỏi bị cáo Phương: “Khi phát hiện bị cáo Chiến bỏ trốn, sao bị cáo không ngăn cản hoặc báo cho lực lượng bảo vệ hay mà lại đồng tình bỏ trốn với Chiến?”. “Dạ… bị cáo… bị cáo cũng muốn ra ngoài”, Phương khai. Tòa vấn: “Vậy sao bị cáo không chấp hành tốt nội quy trại giam để được hưởng chính sách khoan hồng?”. “Dạ… dạ… vì bị cáo phải…chịu mức án quá lâu”, Phương sụt sùi khóc. Năm 2010, trong một lần mâu thuẫn đánh nhau, Nguyễn Văn Phương đã phạm cùng lúc hai tội: “Cố ý gây thương tích” và “Giết người” . Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Phương với mức án 23 năm tù về hai tội danh này. Phương kháng cáo. Ngày 22-5-2011, TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên phạt bị cáo Phương 23 năm tù; thời gian chấp hành kể từ ngày 29-5-2010. Phương đã chấp hành hình phạt được 1 năm 7 tháng thì phạm tội “Trốn khỏi nơi giam” với Chiến.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Bến Tre đã tuyên phạt bị cáo Phạm Hùng Chiến 2 năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam”; bị cáo Chiến đang chấp hành hình phạt của Bản án số 38 ngày 24-8-2009 của TAND tỉnh Vĩnh Long và của Bản án số 179 của TAND tỉnh Bến Tre là 17 năm tù nhưng Bản án số 179 này đã bị hủy về phần tổng hợp hình phạt (chưa xét xử lại) nên Tòa không áp dụng hình phạt tổng hợp đối với bị cáo (chờ xét xử ở một vụ án khác). Đồng thời, Hội đồng xét xử đã tưyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Phương 1 năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam”; tổng hợp với hình phạt của bản án trước đây Phương chưa chấp hành là 21 năm 5 tháng tù, buộc bị cáo Phương phải chấp hành hình phạt chung là 22 năm 5 tháng tù.