 |
Tham quan mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi tại ấp Phú Lộc, xã An Định. Ảnh: N.Vũ |
Huyện vừa tiến hành thí điểm thành công mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi trên địa bàn 7 xã: Đa Phước Hội, An Thới, Tân Trung, Hương Mỹ, Thành Thới A, An Định và Ngãi Đăng, với 10 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện 46 triệu đồng.
Trong đó, nguồn vốn đối ứng của các
hộ tham gia dự án là 30 triệu đồng, phần còn lại là nguồn vốn khuyến nông huyện
hỗ trợ. Mô hình này được triển khai thí điểm thực hiện từ tháng 7-2015.
Theo đó, các hộ tham gia đều chăn nuôi heo thịt từ 20 con
trở lên (heo nái từ 10 con trở lên), có diện tích đất trên 5.000m2. Trước khi
thực hiện, các hộ được tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật làm hầm ủ, phối trộn
nguyên liệu, được đầu tư kinh phí không hoàn lại gồm: hỗ trợ 100% nấm
Tricodecrma sp và Bacilus sp, 30% kinh phí mua bạt lót, 30% kinh phí mua mụn dừa
để thực hiện ủ 2 tấn phân hữu cơ. Sau 6 tháng trở lên, các hộ này có thể sử dụng
phân ủ được bón cho cây trồng.
“Thông qua mô hình này, tôi đã tiết kiệm đáng kể kinh phí
phân bón hóa học. Ngoài ra, tôi có thể bán 1 tấn với giá 2,5 triệu đồng, có lãi
khoảng 2 triệu đồng. Tôi định sẽ sử dụng các phân bón ủ được dùng hết cho vườn
dừa và sẽ không sử dụng phân vô cơ nữa” - ông Lê Phú Chiều ở ấp Phú Lộc, xã An
Định cho biết.
Ở cùng ấp với ông Chiều, ông Nguyễn Văn Bé cũng bày tỏ sự
phấn khởi sau khi thực hiện thành công mô hình này. Ông Bé nói: “Việc này có
nhiều cái lợi lắm, cái quan trọng trước hết không phải là lợi nhuận mà là mình
có thể khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực mình
sống và không bị láng giềng hay chính quyền xã nhắc nhở về vấn đề này nữa”.
“Xã An Định đã và đang tham gia mạnh mẽ dự án dừa đạt chuẩn
hữu cơ của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Thời gian tới, sẽ tiến hành
nhân rộng mô hình này thông qua các tổ hợp tác để tiến đến xây dựng chuỗi giá
trị bền vững đối với trái dừa, đặc biệt là dừa hữu cơ”, ông Lương Văn Phong -
Chủ tịch UBND xã An Định cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn cho biết, toàn huyện hiện có trên 220 ngàn con heo, mô
hình này sẽ giúp người dân tận dụng được nguồn phân chuồng sản xuất phân hữu cơ
vi sinh; được tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất; tiết kiệm chi phí phân bón
vô cơ cho cây trồng và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
“Với những hiệu quả bước đầu như trên, chúng tôi giới thiệu
với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới - doanh nghiệp này đang xây dựng vùng
nguyên liệu đạt chuẩn dừa hữu cơ tại 7 xã trên địa bàn huyện để làm phân bón
chính cho vườn dừa. Nếu được chọn, 2 lĩnh vực kinh tế chính của huyện là chăn
nuôi và trồng dừa sẽ bổ trợ tích cực cho nhau để hướng đến tương lai phát triển
bền vững cho địa phương” - ông Hùng phấn khởi cho biết.
Ông Nguyễn Bảo Trí - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa
Lương Quới cho hay, phía công ty đã chuyển mẫu phân bón hữu cơ vi sinh này đến
các chuyên gia, đối tác nước ngoài để thử nghiệm. Sau quy trình phân tích khoa
học, nếu loại phân này đạt những tiêu chí cần thiết thì dự án sẽ chọn sử dụng
làm phân bón chính cho vườn dừa nguyên liệu hữu cơ của công ty, đồng thời có những
hỗ trợ tích cực cho nông dân.