Sản xuất theo Gap để trái nhãn Long Hòa vươn xa

14/05/2010 - 08:56
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Tổ trưởng Tổ hợp tác nhãn Long Hòa.

Xã Long Hòa được xem là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho phát triển cây nhãn, bởi ngoài điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước thuận lợi, nơi đây còn có một đội ngũ nhà vườn trồng nhãn cần cù và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước yêu cầu khắt khe của thị trường, trái nhãn Long Hòa phải đối mặt với những thách thức, nhất là phải đáp ứng các luật chơi của WTO, trong đó có qui định về an toàn thực phẩm. Để trái nhãn quê nhà thêm ưa chuộng và vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, sản xuất nhãn theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice - GAP)  là hướng đi đúng đang được chính quyền địa phương và nhà vườn trồng nhãn ở Long Hòa quyết tâm thực hiện.

Toàn xã hiện có 310 ha trồng nhãn tiêu da bò, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 4.500 tấn nhãn hàng hóa. Xã Long Hòa đang trở thành nơi có diện tích trồng nhãn khá tập trung và thâm canh cao trên địa bàn huyện Bình Đại nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Tại đây, đại bộ phận diện tích nhãn tiêu da bò trong giai đoạn cho trái, trong đó có không ít vườn nhãn đã qua 10 năm vẫn cho trái năng suất cao và phẩm chất tốt. Thương lái nhãn trong vùng và một số tỉnh lân cận biết đến nhãn Long Hòa nhờ đặc điểm nổi trội như màu vỏ sáng, kích thước trái lớn, phù hợp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trái nhãn sản xuất từ Long Hòa đã được các thương lái, nhà kinh doanh/xuất khẩu nhãn vận chuyển đến nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực với 2 mặt hàng  nhãn tươi và nhãn sấy. Thị trường Trung Quốc rất có tiềm năng nhưng đây cũng là thị trường cạnh tranh gay gắt với nhãn sản xuất nội địa và nhãn nhập khẩu từ các nước, trong đó đáng chú ý là nhãn từ Thái Lan. Yêu cầu của thị trường xuất khẩu ngày càng trở nên khắt khe hơn, trái nhãn xuất khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, người chịu trách nhiệm xuất khẩu phải chứng minh được nhãn thu mua ở đâu, trái nhãn được sản xuất theo qui trình nào, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Trong những năm qua, trái nhãn sản xuất từ các tỉnh ĐBSCL nói chung và trái nhãn của Long Hòa nói riêng khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu dưới dạng mậu biên, khá bấp bênh về giá cả và không ít lần bị phía khách hàng ép giá. Sản xuất manh mún, lại thiếu liên kết, không thống nhất qui trình sản xuất, tùy tiện trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV, đóng gói, không có hồ sơ ghi chép … đã và đang đem lại nhiều thiệt thòi cho trái nhãn khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bến Tre, Phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại và UBND xã Long Hòa, trong chương trình nghiên cứu hướng tới khách hàng thuộc dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã cùng với địa phương tiến hành vận động nông dân trồng nhãn xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, kết quả đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò, có 41 nông hộ tham gia với diện tích 49 ha vào năm 2009. Tổ hợp tác  nhãn Long Hòa là mô hình liên kết sản xuất nhãn đầu tiên ở ĐBSCL. Sau khi tổ hợp tác được thành lập, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tiến hành triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn nông dân trồng nhãn thực hiện mô hình sản xuất nhãn VietGAP. Áp dụng qui trình sản xuất nhãn tiêu da bò theo VietGAP bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mới trong nhận thức của nhà vườn trồng nhãn theo hướng an toàn, việc sử dụng vật tư phân bón, thuốc BVTV hợp lý hơn, góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí vật tư cho hộ trồng nhãn. Theo ông Trần Văn Nhờ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa, mùa vụ nhãn 2009 vừa qua nhờ được hướng dẫn kỹ thuật bón phân và loại phân bón phù hợp nên nhiều nhà vườn đã tiết kiệm được 30-50% chi phí phân bón, nhưng vẫn đảm bảo tăng năng suất và chất lượng của trái nhãn. Mùa vụ nhãn năm 2009 nhà vườn trồng nhãn ở Long Hòa vui mừng vì nhãn được mùa và trúng giá. Mặt khác, tiết kiệm được đáng kể chi phí phân bón và thuốc BVTV, nhờ vậy thu nhập của người trồng nhãn cải thiện rõ nét.
Thành lập được tổ hợp tác nhãn Long Hòa, bước đầu đã tạo sự chuyển biến mới trong khâu tổ chức sản xuất theo hướng liên kết gữa các nông hộ trồng nhãn với nhau, đây là điều kiện cần thiết cho việc triển khai các hoạt động trong sản xuất nhãn theo VietGAP và tiền đề cho việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Ths. Đoàn Hữu Tiến (Viện Cây ăn quả miền Nam)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN