Sáng tạo ra cái… vô bổ

17/11/2014 - 08:04

Sáng kiến, sáng tạo ra cái mới giúp cho cuộc sống thêm tiện nghi, thoải mái luôn được mọi người cổ vũ, hoan nghênh. Nhưng trong cuộc sống không ít những sáng kiến nhằm vào thỏa mãn nhu cầu của ít người, thậm chí là cá nhân, gây nên sự muộn phiền, bực dọc cho người xung quanh. Điển hình là chuyện sáng kiến ra đủ loại tiếng còi (kèn) và “độ” pô xe cũng đủ để nói lên cái sự “vô bổ” ấy.

Đèn đỏ chuyển sang xanh, chưa kịp vào số, nhích ga thì nghe “tin, tin… tin” đằng sau, người dừng phía trước đang bị hối. Khổ hơn thế là lúc vào giờ tan tầm, đường chật, người, xe đông đúc thì bỗng dưng bị hối bởi bác tài xe buýt chạy theo tuyến, theo giờ. Khi xuất hiện, xe buýt không có đặc trưng tiếng còi để dân mình biết mà “ưu tiên” cho “anh hai” phương tiện công cộng. Tỏ ra kém hiệu quả khi dùng còi nên các bác kỹ sư bất đắc dĩ “chế còi” thay cho nhà sản xuất của bổn hãng phải “bái sư”. Làm cho còi kêu to là chuyện thường ngày ở huyện, thậm chí là ở xã, ở ấp. Còi phải kêu liên hồi, hoặc khi bấm một phát kêu luôn cả phút; phải phát ra âm trầm, âm bổng và tất nhiên là phải mạnh mẽ cỡ trên 120 đề-xi-ben, chọc cho màng nhĩ rung lên bần bật và tim người đi đường thì đập thình thịch mới là còi “hạng sang”, “ngoại hạng”. Sau quá trình tìm tòi sáng kiến còi cho xe buýt, cuối cùng cũng đã xây dựng nên một bản sắc còi xe buýt là “còi lạ và độc”. Mỗi khi đi trên đường ai nghe thấy tiếng còi lạ và độc là biết phải làm gì nếu không muốn lỗ tai mình phải đi “bảo dưỡng”. Tiếng còi này có một phản ứng phụ là gây ô nhiễm môi trường văn hóa chứ không chỉ ô nhiễm tiếng ồn. Chính nó là tác nhân gây nên những lời văng tục trên đường phố - phản ứng thiếu kiểm soát; gieo mầm cho những bực dọc, giận dữ trong lòng người.

Kế đến là “độ” tiếng pô xe máy. Không kém phần “ác liệt”, sự đa dạng và “hung hăng” của tiếng pô dưới cách “độ”, “chế” và “nẹt” của mấy chú “choai choai” không làm người đi đường giật mình cũng làm cho trẻ con phải khóc thét hoặc xanh mặt. Các “chàng” này quan niệm, khi chạy xe mà tiếng máy, tiếng pô êm ru chẳng khác nào mình đi bộ hay chạy xe đạp. Chắc là vậy, nên tiếng pô phải giòn, lan tỏa, tiếng máy phải gầm rú như trực thăng, phản lực cất cánh mới là dân “bảnh”, có xe và đang chạy xe. Vài tháng nay, trên đường nội ô thành phố mình xuất hiện một vài mô-tô phân khối lớn, có chiếc mang biển số tỉnh nhà, có chiếc là biển số tỉnh ngoài. Giống như những chú ngựa đua mạnh mẽ, đầy cơ bắp khi các chàng mô-tô này xuất hiện, rong ruổi trên đường cùng “chú nài” trên lưng, đường phố trở nên thật sự sôi động. “G…rùm, g… rùm…”, khỏi cần còi mà ai cũng phải né. “Ác liệt” là tiếng pô của mô-tô phân khối lớn nơi nội ô, còn “oanh tạc” và sáng tạo không kém là xe tự chế ở một số huyện đang manh nha thành “phong trào”. Thân xe như xe đạp đồ chơi trẻ con, động cơ chắc là máy cưa gỗ. Sự kết hợp “hoàn hảo” này cho ra đời một con “quái vật” chạy với vận tốc chừng 30km/giờ mà tiếng máy vang xa hàng cây số. Loại phương tiện này thì không cần gắn còi. Chắc chúng đang chờ còi… của cảnh sát giao thông!

Sự đông đúc, ồn ào trên đường phố phần nào thể hiện cảnh tấp nập, năng động nhưng cũng gây ít nhiều phiền nhiễu cho người dân trong khu vực. Náo nhiệt, ồn ào để mà phát triển, giàu sang thì cũng nên ồn ào, náo nhiệt. Cái sự ồn ào vô bổ, gây khó chịu như cách dùng còi, độ pô xe máy chắc các các nhà “thông thái” phát minh ra “kiểu góp vui” đó đủ biết phải làm gì với nó!


M. Phương (TP. Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN