Không thể không giật mình, khi bước vào nhà sách F., vì có không ít em học sinh cấp tiểu học (lớp 3) đọc truyện dành cho người lớn như truyện ma, truyện kinh dị. Thấy vậy, tôi bắt đầu trò chuyện với các em:
- Tụi con cũng đọc truyện này à?
- Có, mấy truyện này hay lắm, dì ơi!
- Còn nhỏ đọc truyện này, con không sợ sao? Cha mẹ có rầy không?
- Đứa nào cũng sợ, tối không dám ngủ, mắc tiểu không dám đi luôn!
- Vậy sao con đọc?
……. (Không ai trả lời)
- Con đọc được mấy truyện rồi?
- Gần hết rồi!
Ba cậu bé chỉ vào kệ sách, tôi đếm khoảng vài chục cuốn.
- Theo con, trong mấy truyện này, truyện nào hay nhất?
Các tên sách lần lượt được kể ra. Xem giá bìa sách 23.000 đồng/truyện. Tôi hỏi tiếp:
- Mắc quá, tiền đâu con mua?
- Con không mua, mẹ mua.
- Mẹ mua cho con đọc hả?
- Không phải, mua cho mẹ đọc.
- Nhưng sao con đọc?
- Mẹ đi làm, con lén đọc, còn không, con vô đây đọc.
Bỗng nhiên, ba cậu bé hỏi ngược lại tôi.
- Còn dì, cũng thích đọc truyện ma nữa hả? Dì không sợ hả?
- Không, dì hỏi thôi, không đọc đâu, sợ lắm!
- Dì đừng sợ, đọc đi! Nếu dì sợ thì vừa đọc vừa niệm thần chú, như vậy ma, quỷ sẽ không bắt dì(!?).
Tuy cuộc trò chuyện giữa tôi và ba cậu bé kéo dài chỉ mười phút nhưng đủ làm tôi suy nghĩ. Hy vọng đây chỉ là những trường hợp ngoại lệ xảy ra đối với những em thiếu sự định hướng, giáo dục của cha mẹ, thầy cô trong việc lựa chọn sách, báo phù hợp với lứa tuổi của mình. Như chúng ta biết, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển về tinh thần lẫn thể chất nên rất dễ bị sự tác động của môi trường xung quanh; nhất là sách, báo. Vì vậy, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần kiểm soát hơn nữa việc đọc sách, báo của con em mình, đặc biệt là định hướng cho các em chọn đọc những truyện, sách mang tính giáo dục, phù hợp với lứa tuổi.