BDK.VN - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã Vĩnh Bình (Chợ Lách), tại Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) số 16, ấp Phú Bình đã xuất hiện tình hình sạt lở đê bao.
Vào lúc 23 giờ ngày 16-9-2024, mưa to và kèm theo nước lớn đã làm sạt lở đê bao tại đất vườn hộ ông Lý Quốc Dũng, ngụ Tổ NDTQ số 16, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, với đoạn đê 350m và đoạn đê bị sạt lở dài 20m, sâu 2m, mất hết phần thân đê. Ngoài ra, có 19 hộ dân bị nước ngập khoảng từ 0,5 - 1m, một số vật dụng trong gia đình bị hư hỏng, ngập úng 3ha cây ăn trái như: Sầu riêng, chôm chôm và một số loại cây khác (xã đang thống kê).
Sạt lở đê bao nước tràn vào gây thiệt hại cây trồng.
Sau khi tình hình xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Vĩnh Bình đã có mặt tại điểm sạt lở cũng như vận động nhân dân địa phương kê đồ lên cao tránh thiệt hại và khắc phục tạm thời, thuê máy kobe đến gia cố không cho nước ngập. Hiện tại, địa phương chưa có kinh phí để hỗ trợ người dân, do kinh phí của địa phương còn hạn hẹp. Đề nghị về trên có nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương khắc phục.
* Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh - Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa ký công văn về việc chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2024.
Theo đó, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai năm 2024, trong đó chú trọng thực hiện: Kế hoạch số 5655/KH-UBND ngày 15-9-2023 của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023 - 2024; Công văn số 24/PCTT ngày 2-5-2024 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về việc chủ động phòng tránh, ứng phó với các thiên tai nguy hiểm trong giai đoạn chuyển mùa và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng chống, ứng phó với thiên tai theo quy định như: kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2024, kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn đến năm 2025, kế hoạch thực hiện phương châm 4 tại chỗ,...; phương án về ứng phó với các loại hình thiên tai như: Giông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới; triều cường, ngập úng, tràn, vỡ đê; sạt lở bờ sông, bờ biển;... Trong đó, phải cụ thể phương án sơ tán, di dời dân tại các khu vực xung yếu, đảm bảo chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp theo quy định. Đảm bảo nguồn lực (lực lượng, trang thiết bị, vật tư, hậu cần, kinh phí,...) sẵn sàng ứng phó khi có tình huống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.
Các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn về diễn biến, tình hình thiên tai. Thông tin kịp thời đến các cấp địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai phù hợp.
Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như: Tổ chức gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa, giông. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông để kịp thời tiếp nhận các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động phòng tránh. Chủ động các phương án bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản,... nhằm hạn chế thiệt hại.
Các địa phương chủ động rà soát, phối hợp với các đơn vị quản lý đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, gia cố, khắc phục ngay những công trình hư hỏng, xuống cấp. Kịp thời tổ chức gia cố, tôn cao ngay ở những nơi còn thấp, tràn nước, các khu vực trọng yếu như: đê bao các cồn, đê bao vườn cây ăn trái, đê bao tại các khu vực nuôi thủy sản, các công trình đầu mối, các tuyến bờ bao,.... Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, ven sông, kênh, rạch, đặc biệt là khu vực các cồn (cồn Phú Đa,cồn Thành Long, cồn Tam Hiệp,...), các điểm sạt lở bờ biển huyện Ba Tri, Thạnh Phú, sạt lở bờ sông Giao Hòa,.... Có kế hoạch sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước thiên tai.