Vườn dừa của ông Lê Văn Nhỏ bị sâu đầu đen phá hại.
Từ khi phát hiện SĐĐ gây hại trên vườn dừa đến nay, người dân đã đốn hạ 456 cây dừa có cả cây lâu năm và đang thu hoạch, với 13 hộ (ấp Giồng Tre 5 hộ với 66 cây, ấp Ao Vuông 8 hộ với 360 cây) do bị nhiễm nặng và không thể hồi phục. Đến nay, trong số 192,52ha dừa nhiễm SĐĐ thì trên 1ha có khả năng phục hồi trở lại (chưa tới 1%).
“Trồng được 8 công vườn dừa (3 công trên 30 năm tuổi, 5 công được 8 năm tuổi) nhưng sâu tấn công rất nặng, đã đốn hạ và phần còn lại thu hoạch 1 - 2 lần nữa lại tiếp tục đốn luôn. Khi mới phát hiện chỉ 1 - 2 cây bị bệnh, do phòng trừ sâu không kịp nên lan ra toàn vườn dừa. Địa phương đã triển khai thả ong ký sinh 3 lần và phun dầu 1 lần nhưng thật lòng không xiết với diễn biến của sâu bệnh”, ông Lê Văn Nhỏ (ấp Ao Vuông) bộc bạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Nguyễn Trung Hòa cho biết: SĐĐ gây hại dừa ngày càng gia tăng, gây tổn thất nặng nề cho hộ trồng dừa. Cần thả ong ký sinh theo kiểu cắt vòng, thả dự phòng ngay cả những vườn chưa phát hiện sâu hại nhằm hạn chế khả năng lây lan cũng như phát tán của sâu bệnh. Tuy nhiên, để đồng bộ giải pháp cho tất cả thì đòi hỏi nguồn kinh phí rất cao.
Thông thường SĐĐ nằm tựa ổ nhện ở phía dưới tàu lá dừa nên việc phun thuốc đặc trị rất khó. Đến nay, địa phương đã thực hiện công tác phun dầu (2 đợt) và thả ong mắt đỏ (3 lần, sẽ tiếp tục lần 4 gần đây) với diện tích 147,54ha.
“Tôi và con trai có 16 công dừa, thu nhập trên 15 triệu đồng/lứa, tuy vườn dừa chưa nhiễm bệnh nhưng thấy diễn biến phức tạp của sâu gây hại nên gia đình quyết liệt trong phòng ngừa vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thậm chí, tôi sẵn lòng bỏ chi phí mua ong ký sinh thả để tiêu diệt SĐĐ”, bà Nguyễn Thị Chuyền (ấp Ao Vuông) tâm sự.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Long Phạm Văn Nguy cho biết thêm: Từ những ngày đầu phát hiện SĐĐ đến nay, địa phương đã kịp thời báo cáo lên cấp trên triển khai thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp phòng ngừa cũng như đặc trị sâu bệnh. Tuy nhiên, SĐĐ liên tục tấn công và hại dừa đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến người trồng. Trong đó, diện tích tiêu hủy hay đốn bỏ vì sâu bệnh ngày càng nhiều. Hướng tới, địa phương tiếp tục phối hợp với ban ngành và đoàn thể, nhà khoa học có liên quan quyết liệt hơn trong công tác phòng trừ và thực hiện những biện pháp hữu hiệu giúp nhà vườn giảm thiệt hại do SĐĐ gây ra.
Bài, ảnh: Lê Đệ