Sau khi tiêm ngừa, trẻ cần được chăm sóc sức khỏe chu đáo

21/09/2016 - 07:08

Trẻ cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe sau khi tiêm ngừa. Ảnh: Phan Hân

Thời gian gần đây, trường hợp trẻ sau khi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bị đột tử hoặc mắc phải những phản ứng không mong muốn đã được ghi nhận tại một số địa phương trong cả nước. Nhằm giúp phụ huynh có cái nhìn đúng cũng như cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng, chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu về vấn đề này.

* Thưa bác sĩ, có những biến chứng thường gặp nào ở trẻ sau khi tiêm chủng?

- Mặc dù không mong muốn nhưng việc tiêm ngừa ở trẻ có thể xảy ra các biến chứng sau tiêm. Phần lớn hiện tượng sốt ở trẻ sau khi tiêm là lành tính. Sốt là biểu hiện của cơ thể trẻ đang phản ứng và thích nghi với thuốc tiêm chủng. Thông thường sau khi tiêm, chỗ tiêm có thể bị sưng đỏ, trẻ sốt nhẹ, quấy khóc liên tục, bỏ bú hoặc bú kém. Trường hợp nặng là khi hệ thống miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với thuốc tiêm. Lúc này cơ thể của trẻ bị sốc, có thể sẽ sốt cao kèm co giật. Khi đó sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng trẻ.

* Với những biến chứng thường gặp như bác sĩ vừa nêu, phụ huynh cần chăm sóc trẻ như thế nào?

- Khi đưa trẻ tiêm ngừa, phụ huynh phải tuân thủ theo những quy định của cơ sở y tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Sau khi tiêm ngừa, trẻ phải được giữ lại trạm y tế ít nhất 30 phút để phát hiện tai biến sau tiêm. Sau khi về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi tình trạng của bé ít nhất 24 giờ. Nếu có gì lạ, bất thường phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi.

Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm. Trường hợp chỗ tiêm của trẻ bị sưng đỏ, phụ huynh nên chườm lạnh cho trẻ để mau chóng giảm đau, giúp da dễ trao đổi với môi trường bên ngoài và nhanh chóng phục hồi. Trong những trường hợp thông thường, khi trẻ sốt nhẹ, trên 38oC thì cần cho trẻ mặc quần áo thoáng, mát. Nếu thời tiết lạnh, nên bỏ bớt đồ, phòng ngủ giữ ấm là được. Dùng khăn ấm lau người cho trẻ. Đồng thời cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Thông thường dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ với liều dùng 10mg/kg/liều, cách 4 - 6 giờ 1 lần, tối đa là 4 liều trong 24 giờ.

Ngoài ra, mẹ vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao trong nhiều giờ liên tục, phụ huynh cho trẻ uống ngay thuốc hạ sốt. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao trên 39oC, bỏ bú liên tục từ 1 - 2 ngày đi kèm với biểu hiện quấy khóc nhiều, da tím tái, co giật thì cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

* Bác sĩ có những lời khuyên nào cho phụ huynh khi cho trẻ đi tiêm ngừa?

- Phụ huynh tuyệt đối không đưa trẻ bị ốm sốt, hoặc vừa khỏi bệnh đi tiêm chủng. Khi đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm, cần cho trẻ ăn mặc đơn giản, tránh ủ ấm, không cho trẻ ăn, bú sữa quá no, cũng như không để quá đói dẫn tới tình trạng kiệt sức, hạ huyết áp sau khi tiêm. Sau khi trẻ được tiêm vắc-xin, cần theo dõi để biết chắc chắn trẻ vẫn khỏe mạnh, thông thường nên quan sát trẻ khoảng 30 phút vì bình thường nếu bị sốc, tai biến thì sau khi tiêm khoảng 7 - 10 phút là sẽ có những biểu hiện bất thường.

Đối với trẻ đã có hiện tượng sốc với lần tiêm đầu thì những lần tiêm tiếp theo, phụ huynh cần thông báo điều này với các chuyên gia y tế để được đưa ra một phác đồ tiêm hợp lý, hiệu quả, an toàn cho trẻ.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Phan Hân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN