Sầu riêng đông lạnh và dừa tươi chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc 

19/08/2024 - 19:53

BDK.VN - Chiều 19-8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Sầu riêng Bến Tre đã có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Mở ra cơ hội xuất khẩu sầu riêng và dừa tươi Bến Tre

Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm. Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Trước đó, từ tháng 3-2024, Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Việc ký nghị định thư đánh dấu mở ra cơ hội cho dừa tươi. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Bến Tre có 79.000ha.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, đến nay, tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa đăng ký xuất khẩu đi Trung Quốc, với diện tích hơn 8.379ha và 12.831 hộ tham gia trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre. Các vùng trồng này chủ yếu là dừa uống nước và đã cơ bản đáp ứng các điều kiện về đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành các chuỗi nông sản

Công ty TNHH XNK Trái cây MeKong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành đã đăng ký mã vùng trồng dừa xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích 40ha, tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp rất vui và phấn khởi vì được xuất khẩu trở lại thị trường Trung Quốc. Bởi trước năm 2018, công ty đã từng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn này. Việc thị trường của đất nước tỷ dân mở cửa trở lại là niềm vui chung của doanh nghiệp, người nông dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và ngành dừa trong nước nói chung.

Công ty TNHH XNH Trái cây Mekong đã xây dựng mã vùng trồng đủ điều kiện sẵn sàng xuất khẩu sang Trung Quốc, với diện tích 40ha tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành, Bến Tre.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Bùi Dương Thuật, thách thức đặt ra cũng rất lớn đối với các đơn vị quản lý mã vùng trồng cũng như việc thực hiện tốt các hợp đồng liên kết thu mua đối với người trồng dừa một cách thường xuyên và ổn định theo thỏa thuận. Lưu ý này nhằm tránh những hạn chế, bất cập đã từng xảy ra như đối với một số mặt hàng nông sản trước đó. “Ngành chức năng cần tăng cường siết chặt quản lý hiệu quả vận hành các chuỗi dừa, bởi nếu xảy ra trường hợp đứt gãy chuỗi liên kết thì chính người trồng dừa là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất và ảnh hưởng đến kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà...”- ông Bùi Dương Thuật đề xuất giải pháp.

Có thể phấn khởi rằng năm 2024 là năm của cây dừa, với các sự kiện lớn như: Ngày 26-1-2024 cây dừa được công nhận là cây công nghiệp chủ lực của Quốc gia (theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030); ngày 19-8-2024, dừa tươi đã chính thức được cấp “giấy thông hành” sang thị trường Trung Quốc thông qua Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc.

“Để có được kết quả này đó là sự cố gắng miệt mài qua nhiều thế hệ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, người trồng dừa. Sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký các Nghị định thư lần này đánh dấu về thị trường rộng mở hơn cho các sản phẩm...”- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức phấn khởi cho hay.

Dừa và sầu riêng là hai sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Việc phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu thành công đã minh chứng cho mục tiêu và định hướng phát triển nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre theo chuỗi giá trị gắn với Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025 là hoàn toàn đúng đắn.

Chuỗi giá trị dừa tỉnh Bến Tre đã phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong thời gian tới và là nền tảng trong sản xuất chính ngạch. Bên cạnh niềm vui đó, vấn đề luôn đặt ra cho tỉnh là thời cơ luôn đi đôi với thách thức. Do đó, thời gian tới, Bến Tre phải cố gắng rất nhiều trong việc bảo đảm chất lượng, uy tín trong thương mại.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN