Saudi Arabia tăng gấp đôi nhập khẩu dầu từ Nga

15/07/2022 - 21:46

Saudi Arabia đã tăng nhập khẩu dầu của Nga, giúp nước này có nhiều dầu thô chưa tinh chế hơn để bán trên thị trường quốc tế với giá cao hơn.

Một tàu chở dầu của Nga. Ảnh: EPA

Một tàu chở dầu của Nga. Ảnh: EPA

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng gấp đôi lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu từ Nga trong quý II-2022 để cung cấp cho các nhà máy điện, nhằm đáp ứng nhu cầu điều hòa trong mùa Hè, đồng thời giải phóng lượng dầu thô xuất khẩu của Vương quốc này.

Nga đã bán nhiên liệu với giá chiết khấu sau khi bị phương Tây trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, khiến Nga có ít khách hàng hơn. 

Dữ liệu do Reuters thu được cho thấy Saudia Arabia đã nhập khẩu 647.000 tấn (48.000 thùng/ngày) dầu nhiên liệu từ Moskva qua các cảng của Nga và Estonia trong tháng 4 - 6 năm nay. Con số này tăng so với 320.000 tấn cùng kỳ năm trước.

Trong cả năm 2021, Saudia Arabia đã nhập khẩu 1,05 triệu tấn dầu nhiên liệu của Nga. Các bộ năng lượng của Saudi Arabia và Nga từ chối bình luận về việc tăng nhập khẩu này.

Saudi Arabia đã chuyển sang sử dụng dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu điện năng, thường đạt đỉnh điểm khi nhu cầu làm mát tăng theo nhiệt độ mùa Hè. 

Việc Nga tăng bán dầu nhiên liệu cho Saudi Arabia cho thấy thách thức mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt khi tìm cách cô lập Nga và cắt giảm doanh thu xuất khẩu năng lượng của Moskva.

Trong khi nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế mua dầu từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, Trung Đông đã tăng nhập khẩu loại nhiên liệu này của Moskva.

Tổng thống Mỹ Biden sẽ có chuyến thăm Saudi Arabia vào cuối tuần này. Ông dự kiến ​​sẽ tìm cách tăng nguồn cung dầu của Saudi Arabia cho các thị trường toàn cầu để giúp hạ giá dầu vốn đang làm trầm trọng thêm lạm phát trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Saudi Arabia và các nước khác không còn công suất dự phòng để tăng sản lượng. Mặt khác, Saudi Arabia cũng vẫn đang duy trì hợp tác với Nga trong liên minh các nhà sản xuất dầu toàn cầu được gọi là OPEC +. 

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích