Bà Merkel đã có cuộc hội đàm với người đồng
cấp nước chủ nhà Bohuslap Sobotka để bàn về cuộc khủng hoảng người di cư vào
châu Âu, tương lai của Liên minh châu Âu (EU) hậu giai đoạn Anh rời khỏi khối,
và hợp tác song phương trong một số lĩnh vực.
Tại cuộc hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo đều chung quan điểm giải
quyết cuộc khủng hoảng người di cư, trong đó hai bên nhấn mạnh sự cần thiết
tăng cường bảo vệ biên giới ngoại biên của EU và giải quyết nguyên nhân gốc rễ
của làn sóng người di cư hiện nay.
Tuy nhiên, CH Séc vẫn bảo vệ quan điểm phản
đối kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn mang tính bắt buộc của
EU. Mặc dù vậy, Thủ tướng Sobotka cho rằng những bất đồng hiện nay không có
nghĩa cả hai bên không sẵn sàng đối thoại và hợp tác giải quyết vấn đề. Thủ
tướng Merkel cũng cho rằng điều quan trọng là các quốc gia thành viên EU cần
ngồi lại và tìm ra cách thức giải quyết chung phù hợp cho các bên.
Tương lai của Liên minh châu Âu hậu giai đoạn
Anh rời khỏi khối và nội dung của Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU
sắp tới tại Slovakia là một trong những vấn đề nổi bật được đề cập tới trong
cuộc hội đàm. Thủ tướng Sobotka nói rằng CH Séc sẽ có những đề xuất giúp EU ứng
phó một cách có hiệu quả những thách thức lớn hiện nay nhằm đảm bảo an ninh,
lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và duy trì sự thịnh vượng của châu lục.
Cả hai thủ tướng đều nhấn mạnh sự cần thiết
tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc chiến
chống khủng bố, đặc biệt chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Thủ tướng
Sobotka cũng nhắc lại đề xuất muốn EU thành lập một lực lượng quân đội chung để
bảo vệ châu lục và đối phó với những thách thức hiện tại và tương lai.
Liên quan tới một vấn đề quốc tế nóng khác, cả
hai nhà lãnh đạo phản đối lời kêu gọi bãi bỏ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga
do một số chính trị gia đề xuất, trong đó có Tổng thống Séc Milos Zeman.
Thủ tướng Sobotka nói rằng lệnh trừng phạt Nga
gắn liền với việc thực thi Hiệp định Minsk và chỉ khi nào điều kiện này được
đáp ứng đầy đủ thì việc bãi bỏ lệnh trừng phạt sẽ được tính đến. Thủ tướng
Merkel đồng tình với quan điểm trên cho rằng tình hình an ninh tại miền Đông
Ukraine không những không được cải thiện mà còn xấu đi trong thời gian gần đây.
Theo bà, bây giờ không phải là lúc đưa ra quyết định bãi bỏ lệnh trừng phạt đối
với Nga.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng Sobotka
khẳng định Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Cộng hòa Séc. Đầu tư của
Đức chiếm hơn 1/5 tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Séc. Cả hai Thủ
tướng cam kết thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học và nghiên
cứu ứng dụng. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận dự án xây dựng tuyến đường sắt
tốc độ cao nối liền thủ đô Praha của CH Séc và thành phố Dresden của Đức. Trong
tương lai tuyến đường này sẽ kết nối CH Séc với hệ thống đường sắt tốc độ cao
của Tây Âu.
Cuối ngày, Thủ tướng Đức đã có cuộc gặp với Tổng thống Séc Milos
Zeman. Ngày 26-8 dự kiến, Thủ tướng Đức Merkel sẽ bay tới Ba Lan để gặp Thủ
tướng nước này - Beata Szydlo trước khi Hội nghị thượng đỉnh nhóm bốn nước
Trung Âu gồm CH Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia (nhóm Visegrad) diễn ra cùng
ngày./.