Nhà máy sản xuất xe bọc thép ở Velika Plana, Serbia ngày 7-7. Ảnh: Jugoimport SDPR
Theo đài RT ngày 14-7, ông Vucevic nói: “Đánh giá của chúng tôi vào thời điểm này là không thể ưu tiên các hợp đồng thương mại hơn an ninh nội địa, vì vậy những gì ngành quốc phòng của chúng tôi đang làm chủ yếu phải hướng đến quân đội Serbia, phù hợp với nhu cầu của họ”.
Nội các Serbia đã thông qua lệnh cấm 30 ngày nói trên theo đề nghị của Tổng thống Aleksandar Vucic với tư cách là tổng tư lệnh quân đội. Ông Vucevic nói thêm rằng lệnh cấm xuất khẩu có thể được gia hạn, tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi phương Tây cáo buộc rằng tập đoàn nhà nước Jugoimport SDPR của Serbia đã bán đạn dược cho Nga mà số đạn dược này có dùng các bộ phận được mua ở Bỉ.
Ông Vucevic nói với hãng thông tấn Tanjug rằng các cáo buộc là hoàn toàn sai sự thật. Ông cho biết hai cơ sở được đề cập trong cáo buộc của một kênh truyền hình Đức thực tế đã xuất khẩu sang Mỹ tới 90% đạn dược dùng cho vũ khí nhỏ.
Truyền thông phương Tây từ lâu đã đồn đoán rằng chính phủ Serbia đang bí mật bán đạn dược cho Ukraine - điều mà Serbia đã nhiều lần bác bỏ. Tháng 6, tờ Financial Times đưa tin rằng một tuyến đường vận chuyển đạn dược của Serbia tới mặt trận Ukraine là nguyên nhân đằng sau sự thay đổi rõ ràng về chính sách của phương Tây đối với tỉnh ly khai Kosovo.
Ông Vucic phản ứng lại và cáo buộc các nước láng giềng Croatia và Bulgaria tung tin giả để họ có thể tận dụng tư cách thành viên NATO nhằm chiếm thị phần xuất khẩu vũ khí của Serbia.
Ngày 14-7, Bulgaria tuyên bố gửi 100 xe bọc thép tới Ukraine và hy vọng nhận được xe bọc thép thay thế từ Mỹ. Chính phủ Bulgaria đã đưa ra quyết định trên bất chấp các khuyến nghị của Tổng thống Rumen Radev. Ông Radev phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine, dẫn đến phản ứng giận dữ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông tới thăm nước này vào tuần trước.
Nguồn: TTXVN