Sáng 28-6-2016, Sở Công Thương chủ trì cuộc họp để nghe ý kiến góp ý dự thảo Quy chế về tăng cường phối hợp quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Đại điện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Tài chính, Y tế, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, phòng kinh tế các huyện, thành phố tham dự.
Dự thảo do Sở Công Thương soạn có 3 chương và 14 điều, thể
hiện đầy đủ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nói chung và trách nhiệm
của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc giám sát các hoạt động bán hàng
trong lĩnh vực này. Quy chế này nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Sở
Công Thương, Y tế và Công an, UBND các huyện, thành phố… trong phối hợp thực hiện
quản lý hoạt động doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có dấu hiệu lừa đảo trên địa
bàn tỉnh.
Các đại biểu khẳng định rằng, thời gian gần đây, hoạt động
bán hàng đa cấp trên địa bàn diễn biến ngày càng tinh vi, biến tướng, phức tạp
hơn, trong khi cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc trong cơ chế
nên đã dẫn đến số nạn nhân của những “vua bịp” này ngày càng nhiều hơn, đa
thành phần trong xã hội mà nguyên nhân chính là do sự thiếu thông tin từ cơ
quan chức năng. Vì vậy, quy chế nên làm rõ trách nhiệm của những đối tượng biết
luật nhưng cố ý lách hoặc làm trái và những người không biết bị lừa đảo; đồng
thời chỉ rõ những dấu hiệu về hàng hóa, hoạt động nào là kinh doanh đa cấp và
trái quy định pháp luật để người dân có thể cùng giám sát và không bị mắc lừa nữa…
Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận
thời gian qua, do một số bất cập nên Sở chủ yếu làm công tác quản lý, thanh
tra, kiểm tra về hoạt động một cách khá bị động, trong khi cơ chế phối hợp với
các ngành chức năng về việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hoạt động
kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh còn khá lỏng lẻo. Với những quy định mới,
những ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành và các địa phương, Sở Công Thương
sẽ sớm hoàn chỉnh ban hành quy chế phối hợp để siết chặt hơn nữa hoạt động kinh
doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn và người dân
sẽ không còn bị thiệt thòi vì “dính chưởng” đa cấp nữa.
z Trước đó, ngày 27-6-2016, Sở Công Thương tổ chức sơ kết
2 năm thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa
lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh.
Sau 2 năm thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở
kinh doanh LPG, số cửa hàng ngày càng phát triển. Quy trình phát triển mới mạng
lưới thời gian qua đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định quy hoạch. Đến nay, trên địa
bàn tỉnh có 472 cửa hàng, trong đó 258 hộ kinh doanh, 26 cửa hàng chuyên kinh
doanh và 188 cửa hàng vừa kinh doanh xăng dầu vừa kinh doanh LPG. Đa số cửa
hàng còn ở quy mô nhỏ lẻ, dạng hộ kinh doanh là chính, hoặc kinh doanh gắn với
kinh doanh xăng dầu, các cửa hàng chuyên kinh doanh còn rất ít. So thời kỳ trước
quy hoạch đến cuối năm 2015, bình quân có 52 cửa hàng/huyện, thành phố, tăng 3
cửa hàng; số cửa hàng tại xã, phường, thị trấn đều tăng. Trung bình mỗi cửa
hàng phục vụ cho 766 hộ gia đình, giảm 56 hộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện đầu
tư nâng cấp cửa hàng đạt tỷ lệ 100%. Trên địa bàn tỉnh có 1 trạm chiết nạp LPG
vào chai đang được nhà đầu tư tìm kiếm và lựa chọn địa điểm. Được biết, nếu được
có thể vào năm 2017, tỉnh sẽ có 1 trạm chiết nạp LPG vào chai. Theo quy hoạch
có định hướng phát triển các trạm nạp LPG vào ô tô tại một số địa bàn nhưng thực
tế do nhu cầu không có nên việc phát triển tạm nạp LPG vào ô tô chưa thể thực
hiện được.
Dịp này, đại diện Sở Công Thương đã triển khai Nghị định
số 19/2016/NĐ-CP; Thông tư số 03/2016/TT-BCT về việc quy định quyền, nghĩa vụ
thương nhân đầu mối, thương nhân tổng đại lý và một số quy định về treo bảng hiệu,
thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cửa hàng kinh doanh.