Xăng, điện “rủ nhau” tăng giá, kéo theo các vật giá khác “leo thang” khiến cho đời sống nhiều người chật vật, nhất là sinh viên.
Giảm chi tiêu tối đa
Có dịp ghé thăm sinh viên đang ở trọ gần Trường Cao đẳng Bến Tre (cơ sở 1), mới thấy các bạn có nhiều cách tiết kiệm khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, cách thức và suy nghĩ của mỗi người. Dù có xe máy, nhưng Giang - sinh viên năm 2 đã chủ động mang xe về quê (Thạnh Phú) và đi học bằng xe đạp để giảm chi phí cho xăng dầu, trang trải cho việc học. Không chỉ thế, Giang còn rủ các bạn chung phòng hùn tiền lại để đi chợ nấu ăn, thay vì nấu ăn một mình như lúc trước. Theo Giang, nếu một mình nấu ăn thì ít nhất cũng phải tốn 10.000-15.000 đồng/ngày. Còn nếu nấu cùng với 3 người bạn ở chung phòng thì mỗi người chỉ cần hùn từ 7.000-8.000 đồng là có thể mua thức ăn ngon và đủ chất. Không những vậy, Giang còn rất tiết kiệm trong việc sử dụng điện thoại di động.
Cũng có nhiều bạn trẻ biết cách tiết kiệm và chi tiêu đúng mức. Bạn Mỹ Trân, quê Ba Tri, là sinh viên ngành Anh văn, chỉ với 800.000 đồng có thể chi tiêu trong một tháng. Trân cho biết, mỗi tháng, em trả tiền nhà trọ và điện, nước khoảng 300.000 đồng. Hiểu được những khó khăn của ba mẹ khi phải nuôi 3 anh chị em Trân ăn học, số tiền còn lại Trân luôn cố gắng tiết kiệm mọi mặt. “Mỗi cái áo thun em mua chỉ với giá 15.000-20.000 đồng, vừa rẻ, vừa đẹp, có thể thay đổi thường xuyên, luôn được mặc áo mới”- Trân tiết lộ.
Từ khi giá xăng tăng liên tiếp, giá cả tăng vọt, nhiều sinh viên đã bắt đầu có những thay đổi theo hướng tích cực để thích nghi. Bạn Tuấn, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi cho biết: “Em không quen sống chung nên thuê nhà trọ ở một mình. Mỗi tháng, phải đóng tiền nhà trọ và tiền điện, nước gần 450.000 đồng nên em đã điều chỉnh lại những khoản chi lớn, hay những khoản chi không cần thiết như: uống cà phê, đi chơi cùng bạn bè, thay vào đó các hoạt động như: thường xuyên vào thư viện, đi đá banh vào buổi chiều, tìm mua những mặt hàng khuyến mãi, giá rẻ… để chi tiêu cho đủ với số tiền ở nhà gửi lên hàng tháng”. Nhờ vậy, Tuấn không phải lâm vào cảnh nợ nần và việc học vẫn tiến triển tốt.
Đi làm thêm
Nhiều sinh viên đã chọn cách đi làm thêm để trang trải cho việc học của mình. “Ở nhà chỉ làm ruộng, không có khoản thu nhập nào khác nên em phải bươn chải thêm phụ giúp gia đình. Vì vậy, em chọn đi làm thêm bằng nghề “gõ đầu trẻ”, đúng với chuyên ngành em đang học, để vừa kiếm được tiền, lại vừa có thể tích lũy được kinh nghiệm cho công việc sau này. Thông qua một người bạn giới thiệu, em đã nhận được một chỗ dạy thêm 3 buổi/tuần với mức lương 450.000 đồng/tháng. Lê Thị Ngọc (Mỏ Cày Nam), sinh viên ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Bến Tre chia sẻ.
Trương Thị Bé Sang, sinh viên Trường Cao đẳng Bến Tre xin vào làm nhân viên của một quán bán thức ăn nhẹ, với công việc tiếp thị sản phẩm (bán thời gian) trên đại lộ Đồng Khởi. Theo Sang, công việc này giúp em học hỏi được nhiều hơn, giao tiếp tốt hơn, phù hợp với chuyên ngành chế biến lương thực đang học và đặc biệt là có thêm thu nhập. Trong khi đó, các đấng “mày râu” thì lại chọn công việc khác hẳn: đi phát tờ rơi, đi làm nhân viên nghiên cứu thị trường cho một số công ty... Riêng Tân, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi, lại chọn cho mình công việc vất vả hơn nhưng lại nhiều tiền hơn, đó là đi giao nước bình. Tận dụng xe máy, những buổi không đi học, Tân đi giao nước cho các cửa hàng, mỗi tháng thu nhập gần 800.000 đồng. Vì vậy, ở nhà chỉ cần gửi lên cho Tân khoảng 400.000-500.000 đồng mỗi tháng là bạn đã có thể trang trải cho cuộc sống và việc học. Khi được hỏi về công việc đang làm, Tân nói: “Khi nào rảnh thì em đi chở nước đến các nhà trọ. Đa số nhà trọ đều ở gần nên cũng không đến nỗi quá vất vả. Từ khi làm công việc này, xe máy của em lúc nào cũng xăng đầy bình, không phải chịu cái cảnh “viêm” bình xăng như lúc trước nữa”.