Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố và 150 thành viên các CLB Nông dân tỷ phú tỉnh, đại diện các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh.
Đại biểu tham gia phát biểu tại hội nghị.
Trải qua 5 năm thành lập và phát triển, toàn tỉnh hiện có 10 CLB Nông dân tỷ phú với 323 thành viên. Thông qua hoạt động của CLB, gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Từ đó, đã góp phần giúp cho “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân phát động ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu.
Tại hội nghị, đại diện CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú cho rằng: Ngay sau khi được thành lập, Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng phương hướng hoạt động và xác định nội dung chính của CLB nuôi tôm công nghệ cao là trọng tâm. Bởi nó gắn liền với việc xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực của địa phương, nuôi tôm công nghệ cao là mô hình tiên tiến, hạn chế được rủi ro trong quá trình nuôi, nâng cao được năng suất, giúp cho người nuôi có lợi nhuận tốt hơn, đảm bảo phát triển bền vững. Qua việc học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên trong CLB, việc nghiên cứu, tiếp thu thông tin, kiến thức, kỹ thuật mới về nuôi tôm công nghệ cao của các công ty, được tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi hiệu quả ở nhiều nơi. Đặc biệt là mô hình nuôi hiệu quả của các thành viên đi trước đã góp phần tạo được niềm tin cho các thành viên trong CLB mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi.
Song song với việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi, các thành viên trong CLB đã nhận thức được rằng, để nâng tầm giá trị của con tôm thì phải tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, phải xây dựng được thương hiệu của con tôm, từ đó các thành viên đã tích cực tham gia vào HTX nuôi tôm công nghệ cao của huyện. Dự kiến, đến cuối tháng 11-2022, HTX sẽ tiến hành hội nghị thành lập với 21 thành viên, trong đó có 9 thành viên của CLB Nông dân tỷ phú huyện tham gia HTX này. Thời gian tới CLB tập trung tuyền truyền các thành viên thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính. Tập trung quản lý tốt chất thải, nước thải của từng mô hình nuôi nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.
Đại diện CLB Nông dân tỷ phú tỉnh cho rằng: CLB được hình thành đầu tiên rất được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND và Hội Nông dân tỉnh, CLB ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của Ban chủ nhiệm trong việc tổ chức hoạt động của CLB cũng như vai trò của từng thành viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Làm sao để CLB hoạt động mạnh, hiệu quả; các thành viên ngày càng phát triển trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình gắn với xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là nội dung trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động.
Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng tổ phụ trách từng lĩnh vực cụ thể, ở từng địa phương. Mỗi thành viên, theo thế mạnh và đặc thù của địa phương mình sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để hội viên, nông dân làm theo. Từ đó, tạo nên động lực chung để cùng nhau phát triển bền vững. Bên cạnh đó, CLB luôn chú trọng đến công tác xây dựng và hoàn thiện các mô hình điển hình với các giá trị mang hàm lượng sáng tạo cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… để nhân rộng tại địa phương.
CLB là nhịp cầu nối đa chiều, đảm bảo tiếp nhận, truyền tải thông tin, phản ánh dư luận xã hội đa phương tiện giữa thành viên CLB, hội viên nông dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và các thành phần khác trong xã hội. Bên cạnh đó, CLB và các thành viên cũng phối hợp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề về lao động việc làm, hỗ trợ các mô hình sinh kế trong giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động, CLB Nông dân tỷ phú tỉnh trở thành hình mẫu, được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ghi nhận, đánh giá cao. Từ đó, tạo nên sức lan tỏa, là minh chứng cụ thể, sinh động để làm đầu tàu dẫn dắt hướng đến sự thành lập và phát triển của các CLB trên địa bàn tỉnh.
Đại diện CLB Nông dân tỷ phú huyện Châu Thành, với lợi thế về đất đai thuận lợi cho phát triển cây ăn trái, những năm gần đây, huyện Châu Thành đã khuyến khích, hỗ trợ người dân lựa chọn các loại cây ăn trái phù hợp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung để góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương. Nhiều hộ dân trong huyện đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp kém hiệu quả trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, đưa Châu Thành trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn trái tập trung của tỉnh, với nhiều loại trái cây được thị trường ưa chuộng như: Sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, dừa xiêm xanh...
Ban chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú huyện Châu Thành đã họp thống nhất triển khai ra các thành viên CLB và vận động gia đình người thân chuyển đổi cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Khu vực nào trồng được cây sầu riêng, chôm chôm, khu vực nào trồng bưởi, trồng dừa… qua đó các thành viên đã mạnh dạn đầu tư chăm sóc đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua khảo sát lại các mô hình trồng cây ăn trái của các thành viên CLB và các hộ được CLB vận động chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, các hộ có chú trọng đầu tư thâm canh, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, năng suất các loại trái khi thu hoạch cao hơn so với trước đây đem lại doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/ha/năm. CLB Nông dân tỷ phú huyện Châu Thành sẽ luôn phấn đấu là đầu tàu, tiếp tục tuyên truyền vận động người dân trong khu vực mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phù hợp với quy hoạch và định hướng của huyện…
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực của các cấp Hội Nông dân, các CLB Nông dân tỷ phú trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đến việc đoàn kết, chia sẻ, trao đổi, học hỏi, giúp nhau giữa các thành viên trong CLB, giữa các thành viên trong CLB với những nông dân trên địa bàn để cùng nhau vươn lên, cùng làm giàu. Đồng thời bày tỏ mong muốn và đề nghị các cấp Hội Nông dân, các ngành chức năng của tỉnh, huyện và cơ sở tiếp tục phát huy vai trò, định hướng cho các CLB hoạt động hiệu quả hơn nữa. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ cho công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà nói chung, các CLB Nông dân tỷ phú nói riêng tiếp tục có điều kiện hoạt động, phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
Trước mắt là hỗ trợ, đề xuất, tham mưu giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng hợp lý, chính đáng của các thành viên CLB, hướng đến xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất tập trung, nông dân giàu có, văn minh, nông thôn hiện đại.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ lưu ý: Đối với Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục khơi gợi, phát huy những giá trị truyền thống, bản chất tốt đẹp của giai cấp nông dân đã được hun đúc qua các thời kỳ trong từng cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh nhà để mỗi cán bộ, hội viên, nông dân thấy rõ vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế nông nghiệp hiện nay, nhằm thay đổi tư duy, khai phá sự sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị gia tăng và phát triển ngày càng bền vững.
Tiếp tục nâng chất, lấy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” làm trọng tâm; phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX là then chốt gắn với triển khai các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền cùng cấp.
Tiếp tục phát huy các mô hình đoàn kết tập hợp hội viên nông dân có hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của các hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp để tạo sức lan tỏa sâu rộng, mang tính hiệu triệu; tạo điều kiện kết nối, hỗ trợ, định hướng, giúp sức cho nhau, nhằm tạo đà phát triển bền vững chung.
Tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, đơn vị; các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nông dân; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân được tiệm cận, bằng hoặc cao hơn các thành phần khác trong xã hội; góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, củng cố khối liên minh công - nông - trí thức và các tầng lớp khác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương; góp phần hiện thực hóa mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”.
Các cấp Hội cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, đề xuất, làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp với hội viên nông dân nhằm định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối và hỗ trợ kịp thời; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện để hội viên nông dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và đề xuất khen thưởng cho các gương nông dân điển hình, đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Các cấp Hội, đội ngũ cán bộ Hội cũng cần thay đổi chính mình về chất lẫn tư duy để ngày càng sát hợp hơn; không ngừng học hỏi, nắm bắt các kinh nghiệm và phương pháp mới nhằm theo kịp với xu thế hiện đại. Ngay từ thời điểm này, cần bắt tay xây dựng nên một thế hệ “nông dân mới” làm nòng cốt với từ khóa là kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số, thương mại điện tử làm nền tảng căn cơ, bền vững thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
Đối với hoạt động của các CLB Nông dân tỷ phú, cần tiếp tục xác định đây là một diễn đàn, một sân chơi đặc thù của các cấp Hội Nông dân, tạo điều kiện để các thành viên CLB có điều kiện liên kết, chia sẻ cho nhau về kỹ thuật, thị trường, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, phải định hướng hoạt động của các CLB gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhằm góp phần thực hiện thành công 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh tại Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy; xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh theo Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy; chuyển đổi số nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân.
Trong các kỳ sinh hoạt, Ban chủ nhiệm cần nghiên cứu đề ra nội dung sao cho vừa phù hợp, vừa phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các thành viên, vừa lồng ghép triển khai được các chủ trương lớn của tỉnh, địa phương. Làm sao để mỗi kỳ sinh hoạt là một cách làm sáng tạo, góp phần hiến kế hoặc tham gia giải quyết được một vấn đề mới, vấn đề khó, vấn đề nóng của địa phương. Tiếp tục làm nòng cốt trong việc phát triển kinh tế của địa phương, tham gia thành lập các mô hình kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà, để ngày càng có nhiều mô hình hay, cách làm giỏi được hình thành và nhân rộng theo phương châm thi đua “Đồng khởi mới”.
Hoạt động của CLB phải gắn chặt với các phong trào hành động cách mạng của địa phương, là trung tâm, nòng cốt, tiên phong trong phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới. Các thành viên CLB phải là nhân tố tích cực góp phần quan trọng hướng đến xây dựng người nông dân mới với các đặc điểm: Yêu nước, yêu chế độ, có ý thức tốt về xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, có kiến thức tốt về sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập với nền kinh tế thế giới, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, nhất là các phong trào phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, giao lưu để học tập kinh nghiệm giữa các CLB trong tỉnh với nhau và với các đơn vị bạn nhằm chia sẽ về nội dung, phương thức hoạt động, từ đó từng bước nâng cao hơn nữa về chất lượng hoạt động của CLB. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân có đủ điều kiện tham gia vào CLB, giúp CLB ngày càng rộng, mạnh, hoạt động hiệu quả.
Thường xuyên phối hợp, mời gọi các doanh nghiệp có uy tín về tham gia xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế nông nghiệp ngày càng bền vững.
Trao tặng 4 căn nhà “Nghĩa tình nông dân”
Tại hội nghị, Ban tổ chức trao tặng 4 căn nhà “Nghĩa tình nông dân” trị giá 200 triệu đồng; trao vốn cho 6 hộ nông dân nghèo, khó khăn thực hiện mô hình sinh kế “sản xuất bông giấy” trị giá 120 triệu đồng tại xã Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách) do CLB Nông dân tỷ phú tỉnh hỗ trợ. Đồng thời, trao 5 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác an sinh xã hội và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho 6 CLB Nông dân tỷ phú các huyện, thành phố có thành tích xuất sắc trong hoạt động.
Bài, ảnh: Thành Lập