 |
Tranh thủ nắng ráo, bà con phơi bánh phồng để kịp giao hàng. |
Về vùng quê Hưng Nhượng (Giồng Trôm), chúng tôi cảm nhận được nhiều niềm vui của bà con, khi làng nghề bánh phồng vẫn tiếp tục phát triển với nghề truyền thống của cha ông để lại…
Làng nghề bánh phồng vào những ngày cuối năm tất bật, khẩn trương, sôi động từng giờ. Tranh thủ nắng ráo bà con làm ngày, làm đêm lo hàng Tết. Vừa nhanh tay đảo những cái bánh phơi đã khô ráo, anh Sáu Hát ở ấp 1, thuộc gia đình có truyền thống làm bánh phồng lâu đời nhất, cho biết, bánh phồng Sơn Đốc đặc biệt không nơi nào có được là làm bằng nếp sáp ngâm nước máy (ngâm nước mưa bánh bị chai) từ hôm trước. Đến một giờ khuya hôm sau, anh thức dậy gút sạch nước, rồi đem nếp tới lò quết máy. Cứ 10 lít nếp người quết ăn công 14.000 đồng. Bánh phồng có khá nhiều loại, thường thì trộn dừa và hành, nên khi bước vào nhà anh, tôi đã nghe phảng phất thơm mùi hành rất hấp dẫn. Bánh mặn làm với tôm, tép, bánh ngọt thì làm bằng đường cát trộn mít, đậu xanh hoặc làm bánh phồng sữa, bánh phồng sầu riêng, do nhu cầu của khách hàng.
Chị Năm Hồng, một thợ làm bánh cũng khá lâu, tâm sự: “Làm bánh phồng trước đây cực lắm, nhất là khâu bóc bột, phải đảm bảo mỗi phần bột bóc ra phải có trọng lượng như nhau để bánh không bị quá mỏng hay quá dày. Còn cán bánh, cũng phải có đôi bàn tay khéo léo để cho mọi chiếc bánh tròn như nhau”. Đó là làm bánh thời thủ công. Bây giờ là thời buổi công nghiệp, máy móc đã làm thay người những công đoạn vất vả nhất, năng suất gấp hàng chục lần. Toàn xã hiện có 37 cơ sở, tuy có bớt đi những công đoạn, nhưng cũng đã có hàng trăm lao động có việc làm ổn định tại chỗ, có thu nhập không dưới 200 ngàn đồng/người/ngày, còn trong những ngày giáp Tết, chủ trả công lao động tăng gấp đôi. Bánh phồng Sơn Đốc không chỉ có mặt khắp nơi trong nước, mà còn được xuất khẩu sang một số nước ở châu Á, châu Âu.
Về vùng quê Hưng Nhượng, chúng tôi cảm nhận được nhiều niềm vui của bà con. Không vui sao được, khi làng nghề bánh phồng vẫn tiếp tục phát triển với nghề truyền thống của cha ông để lại. Nhưng bên cạnh những niềm vui đó, chúng tôi cũng cảm nhận được chút ưu tư của bà con về một thương hiệu riêng của mình. Vừa nhâm nhi bên tách trà, anh Sáu Hát vừa tâm sự: “Đa số bánh ở đây làm ra là theo yêu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất bánh kẹo trong và ngoài tỉnh, cho nên ruột là bánh phồng Sơn Đốc, nhưng vỏ bên ngoài thì họ để tên địa chỉ của công ty họ”. Hiện tại, đa số chủ cơ sở làm bánh đều là những người nông dân tay lấm chân bùn, chưa biết đăng ký thương hiệu riêng của mình, cứ làm bánh bán được nhiều càng tốt. Do đó, người sản xuất bánh luôn phải chịu thiệt thòi, chấp nhận lãi ít, còn người bán có thương hiệu riêng thì được hưởng lãi cao.
Do làng nghề ngày càng phát triển, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã không ngừng đầu tư máy móc thiết bị cho một số hộ gia đình, cùng các hoạt động tập huấn nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ô nghiễm môi trường.
Giữa ngồn ngồn bánh kẹo hiện đại, chiếc bánh phồng Sơn Đốc vẫn hiện hữu và không thể thiếu được trong những ngày Tết cổ truyền…