 |
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng hoa cảm ơn bà Ingrid Sperling. Ảnh: HPN |
Khi được hỏi có phải là người đứng đầu Tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam Hy vọng (Kinderhile Hyvong Vietnam) với thời gian làm việc đã tròn 30 năm, bà Ingrid Sperling ngạc nhiên và khẽ lắc đầu. Nhưng sau một hồi nhẩm tính, người phụ nữ tóc bạc phơ bật cười thú vị: “Đúng rồi, đã ba mươi năm”!
Bao năm cho hoạt động từ thiện ở Việt Nam, người phụ nữ ở nước Đức xa xôi không để tâm, nhưng hỏi về những mảnh đời, những hoạt động dành cho trẻ em nông thôn của Việt Nam, bà lại nhớ rất rõ. Bởi lẽ, đều đặn mỗi năm một lần, bà dành thời gian khoảng 2 tháng đến Việt Nam thăm hầu hết những chương trình, dự án mà Tổ chức Giúp đỡ trẻ em đang hỗ trợ. Ở đó, những trại trẻ mồ côi, thanh thiếu niên tàn tật, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đường phố, trường học, trạm y tế, những suất học bổng... đang phát huy hiệu quả trong vai trò tiếp lực cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ về những hoạt động của mình, bà Ingrid Sperling cho biết mong muốn của Tổ chức là góp phần giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam nhận được tất cả những gì họ cần cho một cuộc sống. “Nguyên tắc cơ bản của chúng tôi là tập trung hỗ trợ cho các địa phương khó khăn nên hầu hết các dự án đều ở vùng núi và nông thôn xa xôi” - bà Ingrid Sperling nói.
Cũng như ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, ở Bến Tre, hình ảnh người phụ nữ cao to, bước chân nhẹ nhàng, chậm rãi đã để lại ấn tượng khó phai ngay lần đến đầu tiên. Ông Lê Huỳnh - khi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre là người đầu tiên tiếp bà với tư cách đại diện lãnh đạo tỉnh (năm 1987). Cùng đi với bà Ingrid Sperling lúc ấy là ông Milo Roten - người đã để lại di nguyện tro thi hài mình được rải trên sông Mekong, đoạn qua Bến Tre. Những tấm lòng thiện nguyện không biên giới đã gặp nhau và kết thành những câu chuyện đẹp của tình nhân ái. Trường Nuôi dạy trẻ em vào đời sớm Hy Vọng là dấu nối đầu tiên của tổ chức Kinderhile Hyvong Vietnam - bà Ingrid Sperling với Bến Tre. Rồi sau là các trường mẫu giáo xã Giao Hòa (Châu Thành), Lương Quới, (Giồng Trôm), An Thạnh (Mỏ Cày Nam). Đặc biệt là đều đặn mỗi năm 200 suất học bổng Nguyễn Thị Định đồng hành với nữ sinh Bến Tre trong suốt 17 năm nay. Ngần ấy năm đã có gần 3.000 lượt nữ sinh nghèo hiếu học được Tổ chức Kinderhile Hyvong Vietnam trao học bổng với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.
Nhiều lần nghe bà Ingrid Sperling phát biểu trong lễ trao học bổng Nguyễn Thị Định, trước 200 nữ sinh cùng với phụ huynh, chưa lần nào bà nói về mình hay tổ chức của mình. Mà luôn là những lời cảm ơn cơ quan đồng hành (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) để “những đóng góp của chúng tôi mới có ý nghĩa, thật sự đến với những người thật sự cần”. Còn niềm vui? Đó là những 200 nữ sinh là ngần ấy câu chuyện về sự trưởng thành theo từng năm học, về số nữ sinh đạt tỷ lệ khá giỏi ngày càng cao, về những nữ sinh hàng năm thi đỗ vào các đại học, cao đẳng, trường nghề... Không chỉ gặp các em tại diễn đàn, lần nào về Bến Tre bà cũng được chị em ở Hội LHPN tỉnh đưa đến tận nhà một số em, dù ở tận các xã xa nhất. Đồng cảm, chia sẻ và quan trọng là sự gắn kết giữa người cho, người nhận, người đồng hành và tất cả cùng tạo nên sự gắn kết vượt ra khỏi mối quan hệ công tác. “Mỗi lần về Bến Tre, bà đều dành một buổi chiều thăm chị em ở cơ quan Hội Phụ nữ, cùng nấu ăn, trò chuyện như người thân” - bà Huỳnh Thị Sang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.
Kinderhile Hyvong Vietnam là một tổ chức viện trợ tư nhân phi lợi nhuận, là một trong những tổ chức giúp đỡ Việt Nam có quá trình hoạt động lâu dài và liên tục nhất ở CHLB Đức. Tại sao Tổ chức lại chọn Việt Nam mà không phải là một đất nước nào khác? Bà Ingrid Sperling trả lời ngay: Bởi bà chính là một trong những sáng lập viên của tổ chức này, là người đã từng giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên bị hoạn nạn ngay trong chiến tranh ở Việt Nam. Và, một điều đặc biệt nữa, trong gia đình bà, hai người con trai lớn là người Việt Nam - là những đứa trẻ loạn lạc trong chiến tranh Việt Nam năm nào được bà nhận về làm con nuôi. Những đứa trẻ ấy giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và bà cũng lên chức bà nội. Câu chuyện bà Ingrid Sperling dùng nhà riêng của mình làm văn phòng của Tổ chức Giúp đỡ trẻ em được mọi người kể lại, bà cười xòa: “Để tiết kiệm chi phí!”
Ký ức chứng kiến những đứa trẻ Việt Nam bị tổn thương do chiến tranh vẫn mãi ám ảnh người phụ nữ làm công việc nội trợ bình thường ở thành phố Berlin này. Cung cấp lương thực thực phẩm, quần áo và thuốc men cho các trại trẻ mồ côi, tàn tật do bẩm sinh, do di chứng của chất độc da cam, trẻ em bị mù lòa, bại liệt, suy dinh dưỡng nặng... là những gì bà và Tổ chức mà bà đứng đầu có thể làm.