Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng ở Vĩnh Thành

02/06/2009 - 09:39
Ông Lê Phong Hải trao bằng chứng nhận cho các làng nghề. Ảnh: Tr. Quốc

Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, Chợ Lách) xuất hiện một số cây giống mới do ông Phan Văn Minh, Trương Vĩnh Ký mang về sau các chuyến công du các nước Đông Nam Á. Người dân nhen nhóm lập vườn, trồng giống mới.

Những năm 30, 40 của thế kỷ 20, ở ấp Tây Lộc, hai ông Phạm Văn Trí (sinh năm 1904) và Phạm Văn Trị (sinh năm 1909), với kiến thức đã học từ Trường Nha Ray ở Phan Thiết của Pháp (chuyên ngành về công nghiệp) và kinh nghiệm làm việc ở đồn điền cao su, đã nghiên cứu và thành công trong việc tạo ra giống cây chôm chôm Java. Ông Trí đã chuyển giao “tiến bộ” này cho con trai- ông Phạm Văn Thanh (sinh năm 1925). Tiếp bước cha, ông Thanh cũng hết lòng sống chết với nghề ghép cây còn khá mới mẻ này. Ông Thanh tạo ra nhiều giống mới từ cách ghép da đến ghép mắt lá, tháp cành… Phương pháp này được nhiều người trong vùng biết, làm theo. Hàng loạt giống mới được đưa vào thị trường, không những cây trồng mà cả hoa kiểng.

Ở ấp Đông Nam còn có ông Mai Văn Hiếu và con gái (bà Mai Thị Sự), ông Bảy Khánh (ấp Vĩnh Hưng 1), ông Nguyễn Văn Trâm, Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Bắc) cũng tìm tòi cách nhân giống cây. Nghề sản xuất cây giống bắt đầu hình thành. Lúc này, trong nước chưa có nơi nào sản xuất được giống mới nhiều như ở Cái Mơn. Do “độc quyền” nên các hộ làm nghề này có thu nhập khá cao. Một số hộ mạnh dạn lên vườn trồng cây giống, cây ăn trái, đời sống sung túc, khá giàu. Nhu cầu giải trí, hưởng thụ cao hơn nên thú chơi kiểng được nhiều người chú ý, lúc này là ở đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 20.

Niềm vui ngày hội. Ảnh: H.H

Ông Phan Văn Mừng, Nguyễn Văn Sự (ấp Vĩnh Bắc), Nguyễn Văn Song (Đông Nam) có nhiều kiểng cổ nổi tiếng trong xã. Từ ý nghĩ “trồng chơi” ban đầu của các ông, dần dần hình thành thị trường cây kiểng nhỏ tại đây. Việc bán, trao đổi sản phẩm từ ít đến nhiều, người ta nghĩ ra cách tạo dáng, tạo mẫu mã mới, sưu tập nguyên liệu mới… Thị trường kiểng theo đó mà lớn mạnh, mở rộng không ngừng ra cả nước. Ở thập niên 70, cây tắc kiểng, kiểng thú là cây chủ lực, được ưa chuộng.

Tuy nhiên, thập kỷ 80, nghề làm cây giống hoa kiểng ở Chợ Lách bị chựng lại, có nguy cơ bị mai một, nhiều hộ phải ban liếp vườn trồng lúa. Khoảng 10 năm sau, với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam phát triển, nghề cây giống  hoa kiểng hồi sinh. Từ năm 2000 trở lại đây, nhiều hộ ăn nên làm ra từ tắc kiểng, mai ghép, kiểng thú, kiểng công trình và cây phát tài, thậm chí có xuất khẩu.

Quá trình hình thành và phát triển nghề cây giống hoa kiểng ở Vĩnh Thành đến nay đã hơn 60 năm, từ “không biết, không có”, từ một vài hộ, năm bảy người làm, nay đã có hơn 3.000 hộ sản xuất cây giống hoa kiểng, hàng năm xuất vườn trên 7 triệu sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 5 ngàn lao động nông nhàn, thu nhập bình quân khoảng 12 triệu đồng/ người/ năm… Vĩnh Thành mỗi năm có trên 100 hộ thoát nghèo; không còn nhà tạm bợ, hộ thiếu đói, xã đạt phổ cập THCS, đang triển khai phổ cập THPT. Đây là thành công lớn mà nghề truyền thống cây giống hoa kiểng đã mang lại. Từ nỗ lực giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Thành, UBND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định công nhận 10 làng nghề cây giống hoa kiểng cho xã. UBND xã Vĩnh Thành tổ chức lễ đón nhân danh hiệu vào ngày 30-5 vừa qua. Vĩnh Thành phát huy thế mạnh từ làng nghề để xây dựng mạng lưới giao thông, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội trong thời gian tới.

 Ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề được UBND tỉnh quyết định công nhận. Trong lĩnh vực nông nghiệp 13 làng nghề thì Vĩnh Thành có 10 làng nghề. Điều này đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng của nghề sản xuất cây giống hoa kiểng ở Vĩnh Thành-Cái Mơn trong thời gian qua cũng như định hướng phát triển ở những thập kỷ tới. Các làng nghề được công nhận luôn có chính sách hỗ trợ kèm theo. Ông Hải đề nghị địa phương sớm hình thành Ban quản lý cho từng làng nghề để hoàn thiện các thủ tục đề nghị nhận các chính sách hỗ trợ. Vấn đề đặt ra đối với các làng nghề là không ngừng nâng chất, trong hoạt động phải lấy năng suất, chất lượng, làm hiệu quả thước đo. Từng nghệ nhân, từng làng nghề liên kết nhau nâng cao tay nghề, hợp tác sản xuất, tiếp cận thông tin thị trường, không ngừng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 10 làng nghề từng bước phát triển thành 10 khu du lịch sinh thái để góp phần quảng bá nghề sản xuất cây giống hoa kiểng Cái Mơn.

TRẦN QUỐC

PHAN VĂN HIẾU

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích