Sự phát triển bền vững của ngành dừa cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ ngành Trung ương đến Cộng đồng Dừa quốc tế 

16/08/2024 - 15:06

BDK.VN - Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero” tại tỉnh Bến Tre, vào sáng 16-8-2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí của cây dừa đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng; khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; tiềm năng lưu trữ carbon của cây dừa; sự phát triển bền vững của ngành dừa rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các bộ ngành Trung ương đến Cộng đồng Dừa quốc tế.

Cùng chủ trì hội thảo gồm: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh; PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam; GS.TS Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cùng chủ trì và điều hành hội thảo. Ảnh: Cẩm Trúc

PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Hội thảo "Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero" là rất quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khẳng định vai trò, vị trí của cây dừa trong nền kinh tế nông nghiệp, và khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu cùng tiềm năng lưu giữ Carbon của loại cây này. Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định dừa là 1 trong 10 loài cây thích ứng biến đổi khí hậu tốt nhất, là 1 trong 5 loài cây thích nghi được tình trạng sa mạc hóa. Nghiên cứu cho thấy, tiềm năng tín chỉ carbon từ dừa rất lớn. Cây dừa không chỉ là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và các sản phẩm phụ từ vỏ, xơ, gáo dừa... đều có giá trị kinh tế cao và đã tạo nên một chuỗi giá trị bền vững cho ngành dừa Việt Nam.

PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cẩm Trúc

“Một giá trị mới, quan trọng khác của cây dừa chính là tiềm năng lưu giữ Carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng đến nền sản xuất Carbon thấp. Cây dừa, với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm, có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó. Các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng thay thế các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch như nhựa, cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải Carbon. Ví dụ, các sản phẩm từ xơ dừa và gáo dừa có thế được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sản phẩm cách nhiệt, hoặc thậm chí là các sản phẩm sinh học có thể phân hủy, thay thế các vật liệu không thân thiện với môi trường…”, PGS.TS Trần Trung Tính nhấn mạnh.

Tiến sĩ Jelfina C. Alouw - Giám đốc điều hành Cộng đồng dừa Quốc tế (ICC) chia sẻ tại hội thảo, bà rất vui khi được tham dự sự kiện hội thảo ngành dừa tại Bến Tre lần này. Đây cũng là lần thứ hai bà đến làm việc tại Bến Tre. Dịp này, bà Jelfina C. Alouw đã giới thiệu tóm tắt về ngành dừa toàn cầu, trong đó có ngành dừa tại Indonesia và cơ hội hợp tác phát triển ngành dừa của Indonesia và các nước trồng dừa trên thế giới, trong đó có tỉnh Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung. Ở Indonesia, Chính phủ đã có chủ trương mở rộng diện tích trồng dừa ở 38 tỉnh, thành trên toàn quốc và phát triển đa dạng các sản phẩm từ dừa, từ truyền thống đến phi truyền thống… Bởi đất nước này khẳng định cây dừa đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của họ. Tiến sĩ cũng cho biết thêm trong nghiên cứu lai tạo các giống dừa cho hiệu quả năng suất, chất lượng cao, ICC có thể hỗ trợ cho tỉnh Bến Tre trong thời gian tới”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Tiền Giang, cây dừa có khả năng lưu trữ carbon cao nhờ đặc điểm là cây lâu năm, cây dừa có thể tồn tại 50 - 60 năm, có sinh khối cao và phát triển tập trung do được trồng hoặc mọc tự nhiên. Gần 2 thập kỷ qua, có nhiều tác giả đã nghiên cứu cho rằng cây dừa có khả năng tích tụ carbon trong cơ thể cây của nó và đất trồng. Khả năng tích giữ carbon này sẽ biến động tùy thuộc vào giống dừa trồng, số năm tuổi của cây dừa, mật độ trồng trên mỗi đơn vị diện tích, trồng độc canh cây dừa hoặc có xen canh với những cây trồng khác và cả việc xem xét hàm lượng Carbon hữu cơ trong đất trồng cây dừa. “Qua nghiên cứu vườn dừa tại huyện Giồng Trôm Bến Tre, kết quả phân tích và so sánh cho thấy, cây dừa ở huyện Giồng Trôm có khả năng hấp thụ CO2 khá cao hơn so với các nước…”,  bà Nguyễn Thị Thanh Trúc cho hay.

Ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 - 2025 giữa UBND tỉnh Bến Tre với Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Cẩm Trúc

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất giải pháp, kỳ vọng hợp tác trong phát triển ngành dừa bền vững hướng đến Net Zero của các chuyên gia quốc tế và trong nước, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chương trình hội thảo đã diễn ra ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 - 2025 giữa UBND tỉnh Bến Tre với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp thu các kiến nghị tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng: Thời gian tới, để hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững, xây dựng một Bến Tre xanh, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Bến Tre tham gia các chương trình Khoa học và Công nghệ liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh phát biểu tiếp thu ý kiến trình bày tại hội thảo. Ảnh: Cẩm Trúc

Các Bộ ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ tham gia các Chương trình của ngành một số vấn đề có liên quan về tín chỉ Carbon và thị trường tín chỉ Carbon đối với cây dừa, khả năng phát triển ngành dừa phát thải thấp và hướng đến thị trường Carbon cho cây dừa. Các Viện, trường tiếp tục phối hợp với tỉnh trong việc triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre, tiềm năng giá trị kinh tế của cây dừa… Các tổ chức, đơn vị có chức năng hỗ trợ trong việc mở các tập huấn, hướng dẫn cách tính tín chỉ Carbon, đánh giá chứng nhận, thị trường tiêu thụ, kiểm kê khí nhà kính…

Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cũng đề nghị các ngành địa phương tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, định hướng trong xây dựng khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách cho thị trường giao dịch chứng chỉ Carbon cho ngành dừa tỉnh Bến Tre, góp phần thực hiện tốt hơn về phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN