Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

20/11/2024 - 15:20

BDK.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) có Tờ trình gửi QH về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Và theo chương trình kỳ họp thứ 8, QH khóa XV, QH sẽ cho ý kiến lần đầu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Tờ trình, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND (HĐND) qua 8 năm triển khai đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH và HĐND và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đó là:

Thứ nhất, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND chưa quy định nguyên tắc hoạt động giám sát của QH và HĐND phải bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; chưa quy định đầy đủ về việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin tài liệu, dữ liệu từ các hoạt động giám sát có liên quan để phục vụ hoạt động giám sát; chưa có quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.

Thứ hai, đối với hoạt động giám sát của QH: Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình; việc xem xét và chất vấn việc thực hiện nghị quyết của QH, Uỷ ban thường vụ QH về chất vấn, giám sát chuyên đề; giám sát của Đoàn đại biểu QH đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; trách nhiệm của Tổng Thư ký QH trong hoạt động giám sát...

Thứ ba, đối với hoạt động giám sát của HĐND: Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND chưa có các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề giải trình; việc xem xét và chất vấn việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề; thẩm quyền của Thường trực HĐND trong điều chỉnh chương trình giám sát của HĐND trong trường hợp cần thiết. Quy định ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của HĐND, các Ban của HĐND còn một số bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện.

Thứ tư, vẫn còn tình trạng chủ thể chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không kịp thời, không đầy đủ nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; việc áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát còn gặp khó khăn. Quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự cụ thể, đầy đủ để có cơ chế hiệu quả, khả thi áp dụng đối với trường hợp chủ thể chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết, xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập phát hiện qua hoạt động giám sát.

Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND thời gian qua, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát là cần thiết.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND nhằm mục đích sau:

Một là, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Hai là, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND để hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động giám sát bảo đảm tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát; đồng thời, bổ sung các quy định mới, hoàn thiện các quy định đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật về hoạt động giám sát của QH và HĐND đã được tổ chức thi hành ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là cần thiết, phù hợp, có hiệu quả.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật thuộc 5 chính sách đã được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, đó là:

(1) Bổ sung nguyên tắc bảo đảm cung cấp cơ sở thực tiễn trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và luật hóa tiêu chí gắn với công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là một trong các tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám của các chủ thể giám sát.

(2) Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của QH, cơ quan của QH, đại biểu QH, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.

(3) Sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát.

(4) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

(5) Sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.

Dự thảo Luật gồm 3 Điều, sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới 8 điều và bãi bỏ 1 khoản của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND; sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật Tổ chức QH; sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và sẽ xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 9, QH khóa XV.

Ý Nhiên

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN