Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (91.266 ca), Brazil (85.612 ca) và Colombia (29.302 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.402 ca), Brazil (2.228 ca) và Argentina (669 ca).
Chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong chưa đầy 6 tháng đầu năm 2021, thế giới đã ghi nhận trên 1,88 triệu ca tử vong vì COVID-19, vượt quá tổng số người chết vì đại dịch trong cả năm 2020. Con số này cho thấy khoảng cách ngày càng tệ trong nỗ lực kiểm soát đại dịch giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Trong lúc Mỹ, Anh, Canada đều ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ngày càng giảm thì đại dịch lại bùng lên ở một số khu vực châu Á và Mỹ Latin. Argentina đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 hết sức nghiêm trọng, mỗi ngày ghi nhận số ca tử vong hơn 500 người khiến chính phủ nước này lại phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế.
Tại thời điểm cuối năm 2020, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 73% số ca nhiễm mỗi ngày và 72% số ca tử vong trên toàn thế giới. Thế nhưng giờ đây, hơn 80% số ca nhiễm và ca tử vong lại xảy ra ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine không đồng đều ở các nước đang khiến tình hình kiểm soát đại dịch trên toàn cầu ngày càng khác biệt. Chỉ khoảng 2% người dân châu Phi và 6% người dân châu Á đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine COVID-19, theo số liệu của Our World in Data (Thế giới qua số liệu) trong khi Nam Mỹ đã tiêm chủng xong khoảng 22% dân số, Liên minh châu Âu tiêm chủng xong hơn 40% dân số và Mỹ đã tiêm chủng xong hơn một nửa dân số.
Ấn Độ ghi nhận 3.402 ca tử vong mới
Chuẩn bị hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Guwahati, Assam, Ấn Độ, ngày 5-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 3.402 ca tử vong, giảm một nửa so với ngày trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao nhất thế giới và chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu trong 24 giờ qua.
Trước đó, số liệu cập nhật sáng 10-6 của Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy nước này đã ghi nhận 6.148 ca tử vong do COVID-19. Đây là mức tử vong theo ngày cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, cao gần gấp 3 lần so với con số được báo cáo trong những ngày gần đây và gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của 7 ngày qua.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Sở Y tế bang Bihar ngày 9-6 điều chỉnh đáng kể số ca tử vong tại bang này, từ mức dưới 5.500 ca lên 9.429 ca, tức tăng thêm hơn 3.900 ca sau khi kiểm chứng.
Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo tính đến ngày 10-6, Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng 372,2 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, tăng thêm 2 triệu lượt so với một ngày trước đó. Đến nay, nước này đã tiêm tổng cộng 242,72 triệu lượt vaccine phòng COVID-19, trong đó có 3,37 triệu liều trong ngày 9-6. Các chuyên gia cảnh báo các biến thể của virus SARS CoV-2 là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao tại Ấn Độ nên chính phủ nước này cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ virus đột biến liên tục.
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ tháng 2
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 8-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10-6, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận thêm 8.892 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ ngày 26-2.
Theo bộ trên, trong số các ca nhiễm mới, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.091 ca, Trung Java 1.535 ca, Tây Java 1.334 ca, Yogyakarta 455 ca và Riau 438 ca. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 211 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 52.373 ca trong tổng số 1.885.942 ca bệnh. Đến nay, 1.728.914 bệnh nhân đã phục hồi. Dịch bệnh đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của nước này.
Số ca bệnh trong ngày ở Mông Cổ cao kỷ lục
Mông Cổ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, với 1.460 ca (đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng).
Mông Cổ cũng có thêm 10 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 348 ca trong tổng số 70.482 ca nhiễm.
Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc được bắt đầu hồi cuối tháng 2, đến nay 1.596.857 người Mông Cổ đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Mông Cổ đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 60% trong tổng số 3,3 triệu dân của nước này.
Iran có trên 3 triệu ca mắc COVID-19
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Iran đã có tổng cộng 3.003.112 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi ghi nhận thêm 12.398 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Iran cũng có thêm 153 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 81.672 ca.
Tính đến ngày 10-6, 4.289.395 người Iran đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 742.817 người đã được tiêm đủ hai liều vaccine.
Bang New South Wales của Australia chuẩn bị đón sinh viên quốc tế trở lại
Người dân tập thể dục tại một công viên ở Melbourne, Australia, ngày 1-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bang New South Wales của Australia ngày 10-6, thông báo kế hoạch thí điểm tiếp nhận sinh viên quốc tế trở lại học tập tại địa phương, trong vòng từ sáu đến tám tuần tới.
Nếu được chính phủ liên bang chấp thuận, đợt thí điểm đầu tiên sẽ cho phép 250 sinh viên quốc tế được nhập cảnh vào bang New South Wale hai tuần một lần. Chính quyền sẽ bố trí những chuyến bay đặc biệt, và toàn bộ sinh viên sau khi hạ cánh đều phải cách ly bắt buộc 14 ngày ở những khu vực cách ly tập trung dành riêng cho sinh viên quốc tế, dưới sự giám sát của lực lượng cảnh sát và y tế địa phương.
Quan chức phụ trách ngân khố của bang New South Wales, Dominic Perrottet, cho biết giáo dục quốc tế là lĩnh vực xuất khẩu quan trọng có giá trị cao thứ hai của bang. Vì vậy, việc mau chóng giúp sinh viên quốc tế có thể quay trở lại học tập là ưu tiên cần giải quyết, để hỗ trợ ngành giáo dục phục hồi nhanh nhất có thể.
WHO cảnh báo châu Âu chưa qua cơn nguy hiểm
Người dân thưởng thức đồ uống bên ngoài một nhà hàng ở Brussels, Bỉ, ngày 9-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge ngày 10-6 cảnh báo châu Âu chưa qua cơn nguy hiểm dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch COVID-19 đang giảm trên toàn châu lục, đồng thời kêu gọi người dân di chuyển có trách nhiệm trong kỳ nghỉ Hè.
Phát biểu tại họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge cho biết: "Khi các cuộc tụ tập xã hội gia tăng, nhiều người di chuyển hơn và các lễ hội lớn cũng như các sự kiện thể thao lớn diễn ra trong thời gian tới, WHO châu Âu kêu gọi mọi người hãy thận trọng". Ông nói: "Nếu bạn chọn cách đi lại, hãy có trách nhiệm. Hãy ý thức các nguy cơ".
Trong hai tháng qua, số ca nhiễm, tử vong và nhập viện mới tại châu Âu đều đã giảm, cho phép 36 trong số 53 quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Số ca nhiễm ghi nhận trong tuần trước là 368.000 ca, tương đương 1/5 số ca nhiễm hằng tuần ghi nhận trong thời đỉnh dịch tháng 4-2020.
Ông Kluge thừa nhận tiến bộ đạt được ở hầu hết các nước trong khu vực, song nhấn mạnh "không có gì chứng tỏ rằng đã hết nguy hiểm". Ông cho biết biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất đáng lo ngại, đồng thời nhắc nhở rằng các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa Hè năm ngoái ngay cả khi các chiến dịch tiêm phòng hiện đang được đẩy nhanh khắp khu vực. Theo ông, đến nay chỉ có 30% dân số khu vực châu Âu được tiêm liều vaccine đầu tiên, và điều đó là chưa đủ đề ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Thủ tướng Pháp tự cách ly sau khi vợ nhiễm virus SARS-CoV-2
Thủ tướng Pháp Jean Castex phát biểu trong phiên họp Quốc hội tại thủ đô Paris ngày 8-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ phải tự cách ly trong vòng 7 ngày sau khi vợ ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Castex đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào tối 9-6. Ông cũng đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 hôm 19-3. Tuy nhiên, do tiếp xúc với người mắc COVID-19, Thủ tướng Pháp sẽ phải tự cách ly trong vòng 7 ngày theo quy định. Đây là lần thứ 3 trong vòng một năm ông Castex phải tự cách ly do tiếp xúc gần với những ca mắc COVID-19.
Trước đó, ngày 9-6, ngày đầu tiên Pháp tuyên bố bắt đầu nới lỏng các hạn chế để chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Castex đã gặp một số thành viên cộng đồng, tới thăm một khu chợ và một trung tâm thi đấu thể thao ở ngoại ô Paris. Ngoài việc ăn trưa với Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire, ông cũng dự cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên diễn ra kể từ tháng 10 năm ngoái.
Quyết định nới lỏng cách ly và mở cửa lại nhiều hoạt động kinh tế xã hội được đưa ra sau khi Pháp, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề nhất tại châu Âu, đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày giảm đáng kể sau một mùa Đông tồi tệ. Hiện số ca bệnh nhân COVID-19 thể nặng đã giảm xuống còn 2.304 ca so với đỉnh điểm 6.000 ca vào cuối tháng 4 vừa qua.
Pháp đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng ít nhất một mũi cho 30 triệu người dân vào ngày 15-6 tới.
Số ca mắc mới tại Anh tăng trở lại
Người dân tại London, Anh, ngày 1-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Anh, số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trở lại, với 7.393 ca trong vòng 24 giờ.
Theo số liệu thống kê chính thức, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh tại nước này đã lên tới 4,54 triệu ca, trong đó có 127.867 ca tử vong. Cho đến nay, Anh đã tiêm chủng một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 40,7 triệu người, chiếm hơn 75% số người trưởng thành nước này, trong khi hơn 28,5 triệu người đã hoàn thành cả hai mũi vaccine.
Riêng trong ngày 8-6, đã có hơn 1 triệu người đăng ký được tiêm vaccine thông qua trang web của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), là mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, Chính phủ Anh đang phải đối mặt với sức ép hoãn kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh tại vùng England vào ngày 21-6. Quyết định cuối cùng đang được xem xét thận trọng.
Hungary cho phép các địa phương tổ chức lễ hội
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 21-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Hungary cho phép các địa phương tổ chức lễ hội ở ngoài trời từ tuần tới khi mà số ca tử vong do COVID-19 trong nước xuống dưới mức 10 ca/ngày.
Cụ thể, từ ngày 14-6 tới, các địa phương có khoảng 5.000 dân sẽ được phép tổ chức các lễ hội ở ngoài trời. Số người tham gia những sự kiện này không quá 1.500 người và không cần chứng nhận tiêm chủng hay miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Năm nay, các lễ hội lớn tại Hungary thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham gia như Lễ hội Sziget hay Lễ hội Âm thanh Balaton đã buộc phải hủy lần thứ hai liên tiếp. Hungary đã từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch sau khi hơn 50% dân số nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong vòng 24 giờ qua, Hungary đã ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 806.591, trong đó có 29.896 ca tử vong.
Canada cân nhắc nới lỏng phòng dịch theo giai đoạn
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 22-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu thông báo nước này đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo từng giai đoạn, bắt đầu từ đầu tháng 7 tới.
Bộ trưởng Hajdu nói rõ quy định mới sẽ được áp dụng với các công dân Canada, thường trú nhân, sinh viên quốc tế và người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu. Những người này buộc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 ít nhất 14 ngày trước ngày khởi hành và khi nhập cảnh sẽ không phải thực hiện 3 ngày cách ly tại các khách sạn được chỉ định. Thay vào đó, họ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi nhập cảnh và phải xét nghiệm lại sau khi nhập cảnh, đồng thời tự cách ly tại nơi ở cho đến khi có kết quả xét nghiệm.
Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh, Bộ trưởng Hajdu khẳng định việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được thực hiện theo giai đoạn và bắt đầu từ tháng 7. Quan chức này nhấn mạnh những quy định mới là bước đi đầu tiên trong cách tiếp cận này.
Hiện nay, Canada vẫn đóng cửa biên giới đối với phần lớn khách nước ngoài, gồm cả khách du lịch. Quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch được đưa ra xuất phát từ thực tế tình hình dịch bệnh tại quốc gia Bắc Mỹ này diễn biến khả quan với số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày gần nhất đã xuống dưới mức 1.800 ca/ngày. Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada Theresa Tam, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện hằng ngày trong khoảng thời gian trên đã giảm 55% so với mức đỉnh điểm, xuống dưới mức 2.000 ca/ngày.
Nguồn: TTXVN