Tập trung triển khai các công trình trọng điểm

20/03/2018 - 22:30

BDK - Theo liệt kê của UBND tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh triển khai 8 dự án quan trọng (chưa kể các dự án vốn xã hội hóa và dự án sản xuất năng lượng). Tổng vốn đầu tư trên 18 ngàn tỷ đồng. Đây là khối lượng vốn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế rất cao của tỉnh trong nhiều năm qua.

Công trình mở rộng 4 đoạn tuyến quốc lộ 60 góp phần làm thông thoáng và rút ngắn khoảng cách từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên. Ảnh: T.Thảo

Công trình mở rộng 4 đoạn tuyến quốc lộ 60 góp phần làm thông thoáng và rút ngắn khoảng cách từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên. Ảnh: T.Thảo

Tích cực giải phóng mặt bằng

Đến thời điểm này, hầu hết dự án trọng điểm đều được triển khai các bước. Tuy nhiên, còn nhiều dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, khó khăn, phức tạp do khâu giải phóng mặt bằng.

Dự án quản lý nước Bến Tre có tổng mức đầu tư trên 6 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài (vốn vay JICA) chiếm hơn 5,2 ngàn tỷ đồng. Các công trình được xây dựng tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại và TP. Bến Tre. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2023. Hợp phần 1 sẽ xây dựng 8 cống và 1 trạm bơm như cống An Hóa, Thủ Cửu, Bến Tre, Tân Phú, Bến Rớ, Cái  Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm, 1 trạm bơm điện Tân Phú. Hợp phần 2 xây dựng hệ thống giám sát và quan trắc. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 đang tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Theo kế hoạch, các hạng mục công trình triển khai từ năm 2019. Tiến độ dự kiến tỉnh bàn giao mặt bằng cho Ban 9: tháng 1-2019 là cống Tân Phú, Bến Rớ; tháng 4-2019 là Thủ Cửu, Cái Quao, đến năm 2020, tiếp tục xây dựng xong các cống còn lại.

Tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh (đầu năm 2018), ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã cam kết sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng từ tháng 6-2018 để cố gắng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, hiện còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, một số cống người dân chưa đồng tình, nhất là cống Thủ Cửu.

Về triển khai hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre - Nam Bến Tre, đây là dự án có nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, với trên 2,3 ngàn tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, TP. Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2010 - 2021. Toàn bộ trách nhiệm giải phóng mặt bằng của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Về Dự án hạ tầng thiết yếu ổn định đời sống dân cư Phường 8 và xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, nguồn vốn ngân sách, tổng mức đầu tư 294 tỷ đồng. Dự án có các hạng mục như tuyến kè có tổng chiều dài khoảng 1.525m, đường D5, phần cầu giao thông gồm cầu Cá Lóc 2 (chiều dài 56,59m). Cầu D5 bắt qua rạch Gò Đàng thuộc tuyến đường D5; các cống trên tuyến như cống An Hòa, cống Chợ An Hòa, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước. Thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2020. Toàn bộ các hạng mục này dân rất đồng tình. Nhưng đi liền với dự án này là mời nhà đầu tư tiến hành chỉnh trang khu đô thị dọc sông Bến Tre (khu dân cư Phường 8).

Liên quan đến tầm quan trọng của dự án, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng: “Thành phố muốn thay đổi được thì phải có dự án Phường 8, dự án Tây Bắc, dự án Phú Khương, dự án cầu Cá Lóc…”. Hiện dự án còn 25 hộ/tổng số hơn 180 hộ chưa đồng ý cho kiểm kê vì họ không đồng tình dự án mở rộng. Dự án này đặt ra khó khăn trước mong muốn của tỉnh về việc xây dựng bờ kè, kết hợp chỉnh trang Phường 8 là cần được giải quyết nhanh. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND thành phố cần lưu ý, tập trung trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trúc Lâm - Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre cho biết, ông được phân công phụ trách 17 công trình. Đến nay đã thực hiện được một số công trình. Đối với dự án chỉnh trang đô thị dọc sông Bến Tre có 13 hộ chưa đồng tình, họ cho đo đạc nhưng không ký tên vào biên bản. Thành phố sẽ vận động tiếp tục 13 hộ này. Dự án bệnh viện 500 giường, vốn ODA, có 3 hộ chưa nhận tiền, trong đó có 1 hộ không đồng tình, do kỳ kèo về giá. Trong tháng 3-2018, UBND thành phố cương quyết sẽ giải quyết dứt điểm.

Tránh để chậm tiến độ vì vướng khó gỡ

Trường hợp dự án vướng khó khăn khác như về tái định cư, UBND thành phố đã linh hoạt bố trí mặc dù hiện nay chưa đủ đất để bố trí tái định cư cho các dự án lớn. Đối với Cụm công nghiệp Phú Hưng, phê duyệt từ tháng 7-2017, UBND thành phố đã liên lạc với đơn vị chủ đầu tư nhưng chưa thực hiện được. UBND thành phố có hướng sẽ có điều chỉnh nếu nhà đầu tư không có động thái triển khai dự án.

Dự án 4 đoạn tuyến quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, đang triển khai thi công đồng loạt 8 gói thầu. Công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua 4 đoạn tuyến đã xong. Công tác thoát nước chống ngập chưa được người dân đồng thuận. Chủ đầu tư muốn thay đổi, bổ sung hồ sơ thiết kế phải xin ý kiến từ Bộ Giao thông vận tải nên mất nhiều thời gian. Việc chậm hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (lưới điện) làm ảnh hưởng cục bộ về mặt bằng thi công và kế hoạch thi công một số hạng mục công trình.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, qua tìm hiểu, dự án này mặc dù xong giải phóng mặt bằng nhưng người dân ngoài vùng ảnh hưởng dự án thì lại không chịu… Ví dụ, ở Châu Thành, có 9 cống thoát nước nhưng chỉ có 2 cống thoát được, 7 cống còn lại bị lấp. Tình hình hiện nay là người dân tràn ra xây nhà, ki-ốt và vô tư lấp cống. Phần có lỗ cống thì dân để đó trở thành ao tù. Dự án này đang chậm tiến độ 3 tháng, trong khi các gói thầu quan trọng thì lại chưa thi công được như gói số 3, số 5, số 7. Nguyên nhân do không có đường để vận chuyển vật tư vào. “Chỉ riêng dự án này đã bộc lộ các khó khăn liên quan khó gỡ. Vì thế, để triển khai các dự án, nếu các địa phương, ngành giao thông không quyết liệt làm thì việc giải phóng mặt bằng, đường điện, ống nước sẽ rất khó khăn, gây cản trở, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án” - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Nhằm đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo chỉ đạo: Các ban quản lý dự án triển khai công việc nhanh và quyết liệt, có vướng mắc thì kịp thời phản ánh ngay. Bộ máy phải chạy mạnh, chạy nhanh, thông suốt từ Ban Quản lý dự án, đến Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò chủ động, xâu chuỗi kết nối các ngành chức năng liên quan.

Cẩm Trúc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN