Tác động và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu

19/09/2014 - 07:34
Nhà máy cấp nước Thạnh Phú được nâng cấp nhằm cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân địa phương trong điều kiện ứng phó với BĐKH. Ảnh: Q.H

Tính đến thời điểm này, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của phần lớn dân cư trên địa bàn Bến Tre, nhất là người dân ở các huyện ven biển. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá những tác động và đề ra giải pháp phù hợp để cùng chung tay ứng phó, giảm nhẹ tác động của BĐKH.

Tác động của BĐKH

Theo báo cáo kết quả đánh giá tác động BĐKH, 3 huyện ven biển gồm: Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri, là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đến năm 2050, nếu nước biển dâng 30cm thì diện tích đất tự nhiên của huyện Bình Đại bị ngập 16,23% (60,27km2), Thạnh Phú là 15,61% (60,01km2) và Ba Tri là 14,32% (47,43km2); diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh bị ngập là 7,8% (23,19km2). BĐKH làm cho thời tiết thay đổi thất thường. Thời gian gần đây có nhiều cơn lũ, bão, lốc xoáy đã hình thành với tốc độ nhanh và hướng đi khó dự đoán, làm nước dâng cao, gây lũ lụt, ngập đường, giao thông, nhà cửa, tài sản của dân sống ven biển bị thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng trong năm 2013, cả nước có khoảng 17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, phá vỡ con số kỷ lục là 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển Đông mà ngành Khí tượng thủy văn đã ghi được vào năm 1964. Trong đó, có những cơn bão, áp thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người nông dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn, hiện tượng khá phổ biến do tác động của BĐKH. Những năm qua, nước mặn xâm nhập chiếm hầu hết diện tích 3 huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Do đó, khu vực này phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển nông nghiệp. Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi Bến Tre, trong mùa khô năm 2014, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại cho hơn 4,7 ngàn ha lúa ở các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri và Châu Thành. Có trên 4,2 ngàn ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại. Nước biển xâm nhập sâu vào đất liền gây thiếu nước ngọt cho khoảng 346 ngàn người, tập trung ở vùng ven biển.

Theo nhận định của các chuyên gia, BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, trong đó, đất chuyên canh cây lúa, đất trồng cây công nghiệp lâu năm và đất trồng cây ăn quả là những đối tượng bị mất diện tích nhiều nhất. Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặn, có tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn. Ngoài ra, ngư nghiệp, thủy sản cũng chịu sự tác động chủ yếu do hạn hán, nước dâng, xâm nhập mặn, thoái hóa đất và các thiên tai khác. BĐKH tác động đến các hệ sinh thái ven biển, làm biến động đến nguồn lợi cá biển.

Công tác ứng phó, thích ứng

Thời gian qua, cùng với cả nước, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH đến hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, lai tạo những giống mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi với tác động BĐKH và nước biển dâng; tăng cường trồng rừng ven biển, trồng cây phân tán, duy trì và phát triển sinh kế của người dân sống ven rừng; nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh.

Để góp phần giúp người nông dân đảm bảo sản lượng lúa trên diện tích đất trồng bị mặn xâm nhập, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lai tạo, thanh lọc và tuyển chọn các giống lúa chịu mặn cao. Theo đó, Trung tâm đã chọn lọc được 8 bộ giống lúa, gồm: OM 9915, OM 9916, OM 9921, OM 10636, OM 9577-1, OM 9584-4, MTL 580 và MTL 689. Đặc tính của các giống lúa này là có khả năng chịu mặn cao, độ mặn tối đa khoảng 6%o. Năng suất trung bình các giống lúa khá ổn định, đạt cao nhất từ 4,5 đến 5,5 tấn/ha ở độ mặn 4%o. Với kết quả này, việc phát triển bộ giống lúa trên tại các địa phương là rất triển vọng, phù hợp với mục tiêu là cung cấp bộ giống chịu mặn cho vùng bị nước mặn xâm nhập sâu, vùng canh tác tôm và vùng khôi phục trồng lúa sau khi chuyển đổi từ trồng lúa - tôm, nuôi tôm không phù hợp.

Ông Đoàn Văn Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Phó Chánh Văn phòng Chương trình BĐKH tỉnh Bến Tre cho biết: “Để chủ động ứng phó với BĐKH, điều trước tiên chúng ta cần thực hiện là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng, trong đó chú trọng xây dựng chương trình tập huấn cho các đối tượng trực tiếp tham gia công tác ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Các ngành chức năng cần có những điều chỉnh để chủ động thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Người dân ở những vùng nhạy cảm với tác động của BĐKH cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các công tác ứng phó với BĐKH, tham gia các buổi tập huấn do các ngành chức năng tổ chức để nâng cao hiểu biết về BĐKH; sử dụng tiết kiệm điện, nước, tái chế các vật dụng có thể sử dụng lại. Hoạt động thiết thực để góp phần chung tay giảm tác hại của BĐKH là người dân tham gia các hoạt động trồng cây xanh bảo vệ môi trường và vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện”.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN