
Dây chuyền sản xuất nước dừa giải khát tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Cẩm Trúc
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt có nên mạnh dạn đặt ở con số từ 300 triệu đồng/ha trở lên; thủy sản ít nhất 500 triệu đồng/ha; cây giống, hoa kiểng 1 tỷ đồng/ha… thay vì chỉ có 180 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha. Bài toán đặt ra là chúng ta phải làm gì để đạt mục tiêu đó?
Thời gian qua, Đề án cơ cấu lại ngành NN được triển khai thực hiện toàn diện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về các mục tiêu, giải pháp đề ra, thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình đối với việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tự nguyện tham gia liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Người dân ngày càng ý thức và tự giác hơn trong chọn giống, mùa vụ xuống giống, quy trình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi khá tốt. Nông dân đã và đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang làm kinh tế NN; cân nhắc thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạn mặn và phòng chống dịch bệnh; khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thực hành NN tốt (GAP) được người dân quan tâm thực hiện trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi, như: thủy sản, cây ăn trái, chăn nuôi heo...
Nhiều sản phẩm của tỉnh đã được chứng nhận hoặc đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, như: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, con heo, con bò... Nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận khá tốt, đã tạo được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm NN của tỉnh. Bước đầu hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, góp phần tác động tích cực đến tăng trưởng ngành NN và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện tái cơ cấu NN đã tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Giải pháp cơ cấu NN đến năm 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho rằng: “Chỉ có sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ và sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để có sản phẩm có chất lượng và nâng cao giá trị hơn. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới”.

Thu hoạch nấm bào ngư. Ảnh: Nguyễn Dừa
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, về chuỗi giá trị cây dừa, huyện có 3 công ty gắn kết với nông dân. Giải pháp trong thời gian tới, huyện mong muốn có sự chuyển đổi tích cực hơn, có cơ chế về giống, gắn với sản xuất hữu cơ và liên kết doanh nghiệp để vườn dừa phát triển ổn định. Về thủy sản, con nghêu có giá trị rất cao, cần được xây dựng các chứng nhận chất lượng. Con tôm có vùng nuôi phát triển theo hướng công nghệ cao, với diện tích gần 800ha. Cái khó hiện nay của huyện là sản lượng thu hoạch đạt bình quân trên 30 ngàn tấn/năm nhưng vẫn còn bán nguyên liệu nguyên con cho thương lái. Huyện chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến con tôm có quy mô lớn nên rất cần sự hỗ trợ thu hút đầu tư về lĩnh vực này.
“Chuỗi cây giống, hoa kiểng, huyện Chợ Lách không còn lợi thế về quy mô và sản lượng trái cây. Việc kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến trái cây khó khăn. Huyện định hình chỉ có thể phát triển thương hiệu cây giống trong thời gian tới…”, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh nêu.
Doanh nhân Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (huyện Châu Thành) cho rằng: Nếu định hướng đúng, đầu tư đúng, hiểu thị trường đúng và tham gia tích cực thì chuyện xây dựng nông sản đạt giá trị “tỷ đô” như Bí thư Tỉnh ủy đề cập như trên là rất khả thi. Tất nhiên, trong sản xuất cũng như chế biến phải ứng dụng công nghệ cao; phải sản xuất theo hướng sạch hơn, hữu cơ.
“Kinh nghiệm trong nhiều năm qua cho thấy, để liên kết với nông dân bền vững thì doanh nghiệp cần vững mạnh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ đó, quay lại gắn kết với nông dân, giải quyết ổn định đầu ra cho nông dân. Đồng thời, nông dân cũng phải tuân thủ cam kết liên kết với doanh nghiệp, sản xuất theo hướng sạch hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông Cù Văn Thành cho biết thêm.
“Thời gian tới, chúng ta phấn đấu làm sao để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đi qua kênh hợp tác xã. Sắp xếp lại các cơ quan hỗ trợ các cơ sở, đẩy mạnh quan tâm đầu tư dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nữa. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu ở một địa phương có kinh tế nông nghiệp làm chủ lực. Bên cạnh đó, hạ tầng cho kinh tế nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay, tỉnh cần làm gì để nâng hiệu quả sản xuất, từ quy hoạch sản xuất đến đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, canh tác đến khâu chế biến, thị trường, thương hiệu và các chính sách liên quan…”.
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc