
Triển khai phát gạo cho người dân trên địa bàn xã Tam Hiệp.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Thọ - Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã cho biết, dù là xã đảo, địa bàn là “vùng xanh” nhưng công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương không thể lơ là, do địa bàn có tiếp giáp bằng đường sông với nhiều địa phương khác, trong đó, có tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang. Hiện toàn xã đã triển khai 3 chốt kiểm soát với 19 lực lượng trực tại các địa điểm trọng yếu như chợ, bến phà… Một tổ tuần tra lưu động với 8 lực lượng thường xuyên tăng cường kiểm soát khắp các ấp. Ngay từ trước khi dịch bùng phát mạnh, Tam Hiệp đã chủ động đóng cửa 3 bến đò. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Tổ Covid cộng đồng (19 tổ), bằng nhiều hình thức tuyên truyền (Zalo, Facebook, Đài truyền thanh xã và cụm truyền thanh các ấp…), ý thức phòng chống dịch của người dân đã nâng lên, nhất là sự cộng đồng trách nhiệm khi phát hiện có người lạ vào địa bàn là bà con trình báo về cơ quan chức năng của xã để xử lý.
Ngay khi chúng tôi bước qua phà vào Tam Hiệp, một lực lượng trực tại chốt kiểm tra giấy thông hành, yêu cầu phải có “giấy giới thiệu của cơ quan”. Gặp được Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Thọ, anh cười bảo: “Thông cảm, người ngoài địa phương vào là anh em rất cẩn thận”. “Khai báo y tế 160 người, từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương 4 người, các tỉnh khác 5 người, cách ly tại nhà 23 người, trong đó hết thời gian cách ly 16 người. Đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 583 người. Test nhanh 245 trường hợp, đều âm tính. Không ghi nhận trường hợp F0, F1, F2”. Đây là tất cả số liệu báo cáo rất gọn về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã.
Tình hình an ninh trật tự, đã xử phạt 11 trường hợp với số tiền 8 triệu đồng với các lỗi vi phạm như ra ngoài không rõ lý do, không đeo khẩu trang… Qua đây cho thấy việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ở xã rất nghiêm. Xã quan tâm thực hiện chi hỗ trợ cho người bán vé số lẻ; đang tiếp tục rà soát đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định số 68/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội với sự đóng góp tích cực của các mạnh thường quân trong và ngoài xã số tiền hơn 300 triệu đồng và hơn 20 tấn gạo giúp bà con khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tam Hiệp là một xã có diện tích đất nông nghiệp hơn 558ha, chủ yếu là trồng nhãn (hơn 455ha), bưởi (hơn 10ha), dừa (92,5ha). Trong đó, nhãn ước sản lượng hơn 3.500 tấn nhãn, dừa xiêm xanh ước 97 ngàn trái, dừa khô ước 40 ngàn trái. Xã đã thành lập Tổ thu hoạch và tiêu thụ hàng nông sản cho bà con với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và hợp tác xã nông nghiệp địa phương. “Phối hợp với Tổ đi chợ thay dân với 32 lực lượng tham gia, điểm tập kết hàng nông sản tại bến phà Tam Hiệp, trong thời gian qua, địa phương đã kết nối với các thương lái trong và ngoài xã tiêu thụ hơn 314 tấn nhãn các loại, hơn 84 ngàn trái dừa trái”, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ cho biết.
Được huyện chọn thí điểm chuyển sang trạng thái bình thường mới, xã đã ban hành phương án với sự phân công rất cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể xã, những nguyên tắc, quy định khi ra - vào địa bàn như đã thành lập Đội phản ứng nhanh với các lực lượng tại chỗ tham gia, tăng cường kiểm soát chặt, nghiêm túc lượng người ra vào tại Bến phà Tam Hiệp. Tăng cường tuần tra lưu động, nhất là trên các tuyến đường liên ấp, tuyến đường sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc mở lại chợ truyền thống phải đảm bảo yếu tố an toàn, tiếp tục phát huy hiệu quả Tổ đi chợ thay dân, phát phiếu đi chợ 2 lần/tuần. định kỳ 7 ngày phải test nhanh các tiểu thương tại chợ. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã, khuyến khích việc mua bán và giao nhận hàng hóa qua hệ thống online, qua Đội Shipper xanh, người bán hàng phải đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn, khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, người mua phải xếp hàng. Các tổ Covid cộng đồng, tổ NDTQ và cán bộ cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch. Chuẩn bị tốt nhất cho công tác khai giảng năm học mới. Thực hiện nguyên tắc “siết chặt lối vào, nới lỏng lối ra” đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021.
Bài, ảnh: T. Lập