Tam Hiệp trên đường xây dựng xã văn hóa

07/07/2010 - 08:36
Đường nông thôn xã Tam Hiệp. Ảnh: Đ.C

Ghé lại xã Tam Hiệp (Bình Đại) lần này, chúng tôi cảm thấy vui lây bởi những đổi thay của nơi đây: phà Phú Thuận-Tam Hiệp liên tục qua sông đưa đón khách, xe gắn máy chạy bon bon trên đường nhựa phẳng phiu về trụ sở UBND xã, cờ bay, tiếng loa phóng thanh vang vọng khắp các nẻo đường…

Bà Võ Thị Đạm Tuyết-Chủ tịch UBND xã hồ hởi: “Chúng tôi đang phát động nhân dân chuẩn bị bước rút để hoàn thiện các tiêu chí của xã văn hóa”. Rảo vòng quanh xã, chúng tôi đi qua những con đường đá dăm hoặc bê-tông dẫn vào các ấp, hai bên đường là những vườn nhãn đang oằn sai trái ngọt; một số hộ có hàng rào cây xanh được cắt tỉa rất khéo léo, đẹp mắt. Tại ấp 4, trưởng ấp Đặng Văn Thuật cho biết: “Ấp 4 có 215 hộ, trong đó có hơn 80 hộ xây dựng hàng rào hoa kiểng. Hiện chúng tôi đang vận động bà con thực hiện mô hình này”.
Tam Hiệp là xã cù lao thuộc tiểu vùng I của huyện Bình Đại, có diện tích tự nhiên 1.276,7 ha, 948 hộ dân với hơn 4.200 nhân khẩu. Dân cư nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm vườn (95%), số còn lại sống bằng các nghề thương mại-dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đánh bắt thủy sản. Đi vào xây dựng xã văn hóa, Đảng ủy Tam Hiệp đã đề ra nghị quyết và chương trình hành động theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII và các văn bản hướng dẫn của tỉnh, huyện. Trong tháng 1-2006, Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xã (BCĐ) đã lập kế hoạch và triển khai vận động việc xây dựng xã văn  hóa đến các ban ngành, đoàn thể, ấp, tổ NDTQ và sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Đồng thời, phân công cho các thành viên tổ giúp việc và các tiểu ban (kinh tế đời sống, cảnh quan môi trường, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, dân chủ pháp luật); đối với ban vận động ấp (4/4 ấp) thì do bí thư chi bộ ấp làm trưởng ban, trong đó phân công đảng viên phụ trách 41/41 tổ tự quản trong xã. Giữa BCĐ xã, các tiểu ban, ban vận động ấp cùng các tổ có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể, tổ giúp việc thực hiện kế hoạch BCĐ đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện được BCĐ tiến hành thường xuyên và xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy xã để có định hướng cho bước tiếp theo. Nhờ vậy, phong trào luôn được duy trì và phát triển.
Đến nay, Tam Hiệp đã có bước đổi thay khá toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, đời sống nhân dân. Hiện tại xã có 259 hộ giàu/tổng số 948 hộ (chiếm tỉ lệ 27,32%), 366 hộ khá (tỉ lệ 38,61%), 158 hộ trung bình (16,67%), 58 hộ cận nghèo (6,12%), hộ nghèo giảm còn 107 hộ (11,29%); thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, xã có 8.000m đường giao thông chính, đã nhựa hóa 1.700m với kinh phí xây dựng 1,2 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 500 triệu đồng); xây dựng 11 tuyến lộ bê-tông với chiều dài gần 4.000m, do nhân dân đóng góp hơn 284 triệu đồng; các tuyến đường còn lại đang được thi công với chiều dài hơn 6.200m, kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng được vận động từ các nguồn tài trợ. Toàn xã có 934/948 hộ sử dụng điện (đạt tỉ lệ 98,52%), có 927 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh (đạt tỉ lệ 97,78%); bình quân có 13 máy điện thoại/100 dân. Bên cạnh đó, các hoạt động về văn hóa, thể dục-thể thao cùng các thiết chế văn hóa hộ gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được củng cố, hoàn thiện… Hiện xã Tam Hiệp đã có 5/5 cơ quan, trường học, đơn vị được công nhận văn hóa; 948/948 hộ đăng ký đạt gia đình văn hóa, đã được công nhận 934 hộ gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 98,52%)…
Nhận xét về quá trình xây dựng văn hóa tại xã nhà, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp Trương Văn Dũng cho biết: “Chúng tôi đã phấn đấu hết mình để có được kết quả như hôm nay. Đi vào xây dựng đời sống văn hóa, Đảng ủy xã luôn theo dõi chỉ đạo sát sao và được sự đồng thuận hưởng ứng cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân; trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Chúng tôi tin rằng, kết quả này sẽ được duy trì và ngày càng phát triển”.

H.ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN