 |
Cô Trần Thị Cẩm Hồng. |
Hình ảnh những người phụ nữ chạy xe ôm ngày nay đã không còn quá lạ lẫm với mọi người. Vì mưu sinh, các dì, các chị đã dần “lấn sân” sang công việc vốn từ lâu chỉ dành riêng cho các chú, các anh.
Và cũng vì vậy mà họ đã phải chấp nhận đối diện với những vất vả nhiều hơn cánh mày râu gấp bội phần. Cô Trần Thị Cẩm Hồng (Bảy Mót), 64 tuổi, ở chợ Phú Túc (Châu Thành) là một điển hình về hoàn cảnh khó khăn của những phụ nữ kiếm sống từ nghề chạy xe ôm.
Về chợ Phú Túc hỏi thăm cô Bảy Mót - xe ôm thì không ai không biết. Bởi để tìm một phụ nữ ở tuổi 64 mà vẫn chạy xe đưa đón khách thì có lẽ không có ai ngoài cô. Gần 10 năm trước, sau khi gia đình lâm vào túng thiếu vì món nợ hơn trăm triệu đồng của người con dâu, tay trắng nuôi hai cháu nội, chồng lại đau yếu, cô Bảy đành đứng lên gồng gánh. Ngoài chạy xe ôm, cô còn tranh thủ xoay sở nhiều công việc khác để trả nợ, từ nhận làm thuê, giúp việc nhà đến chăm sóc người già. Như các chị em làm nghề chạy xe ôm khác, cô Bảy không dừng xe ở bến đón khách mà chỉ chạy khi có yêu cầu của bà con trong xóm và người quen. Nhờ sự chịu khó, cô thường được lối xóm nhờ xuống chợ Bến Tre mua hàng, hoặc chở học sinh đến trường. Đây cũng là một ưu thế và là đặc điểm riêng của các chị em làm nghề chạy xe ôm, bởi bản tính phụ nữ nhẹ nhàng, chu đáo lại cẩn thận nên thường được khách tin tưởng cậy nhờ như người thân.
Kể về quãng thời gian trước đây mấy năm, khi còn khỏe, cô Bảy từng nhận chở khách đi Thủ Đức, Bình Dương, Cần Thơ. Những lần đi đường trường, gặp phải mưa to gió lạnh, dù đã mặc đến ba cái áo mưa mà vẫn lạnh run, vừa tủi thân vừa đuối sức, cô đành phải gồng mình chở khách đi cho kịp hành trình. Giờ đây, với bệnh tim và chứng thoái hóa cột sống đang hành hạ từng ngày, cô đã hạn chế việc chở khách đi xa như thế. Không có nhiều tiền để chạy chữa đến nơi đến chốn, mỗi tháng cô Bảy chỉ trông cậy vào số thuốc bảo hiểm ít ỏi. Và cứ thế, hôm nào đau nhiều thì nằm nhà, bữa nào thấy khỏe hơn cô lại dong xe ra chở khách. Tự nhiên là thế, dù có dẻo dai đến mấy, sức vóc người phụ nữ cũng không bao giờ bì được với thể lực của đàn ông.
Chạy xe ôm kiếm sống và được xóm giềng thương giúp đỡ, đến nay cô Bảy đã mở được một tiệm tạp hóa nhỏ ở đầu chợ Phú Túc. Mỗi lần cô chở khách đi, thì tiệm tạp hóa của cô cũng được chị em bạn hàng trông chừng giúp. Cứ cách vài ngày, cô lại chở hàng từ chợ Bến Tre về, có khi qua đến tận Tiền Giang, cố gắng tìm được mối hàng rẻ để đỡ hơn tiền vốn. Cả gia đình ai ai cũng tranh thủ kiếm thêm việc làm, cùng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Nói đến người cháu nội lớn mà cô luôn tự hào, ánh mắt cô lấp lánh niềm vui: “Nó đã là sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh rồi, còn hơn năm nữa thôi là tốt nghiệp, cô trông cho nó sẽ về quê làm việc, cô sẽ đỡ lo hơn”. Nghe cô kể, hè vừa rồi, cậu sinh viên sư phạm ấy đã về mở lớp dạy kèm cho trẻ con trong xóm. Hết hè, cậu đưa tiền học phí lại cho bà nội để xoay sở trong ngoài. Phần mình chỉ xin một chút để dành vào năm học mới. Có người cháu ngoan hiền hiếu thảo, biết lo lắng cho gia đình, âu cũng là niềm an ủi cho cô Bảy, giúp cô vượt qua những vất vả, lo toan.
Nghề chạy xe ôm dang nắng dầm mưa là thế, đòi hỏi sự cứng rắn và mạnh mẽ là thế, nhưng bản tính dịu dàng của người phụ nữ vẫn luôn hiện diện trong các dì, các chị. Có những chị chạy xe ôm (như cô Bảy Mót) luôn sẵn sàng ở lại bệnh viện chạy lo thủ tục cho khách. Cũng có những dì, những chị sẵn sàng cho khách lỡ đường quá giang mà không lấy tiền. Họ rắn rỏi trên dặm đường xa nhưng luôn ân cần, chu đáo với khách, vẫn nữ tính như bao người mẹ, người chị khác đang đưa đón người thân đi xa về. Mỗi đoạn đường thường được thêm vào những câu chuyện trò thân tình giữa tài xế và khách, đôi bên nhờ thế mà nhẹ vơi nỗi lòng và đường đi bớt xa xôi.
Nắm đôi bàn tay đỏ nung màu nắng của cô Bảy, tôi bỗng thấy yêu hơn những người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đằm thắm, đôi vai gầy đã từ lâu nên sắt nên đồng, gánh gồng cả một gia đình. Khó tin rằng người đàn bà chân chất này đã 10 năm rồi đồng hành cùng sương gió. Ở cái tuổi lục tuần, đáng lẽ phải được thảnh thơi với niềm vui con cháu, vậy mà cô Bảy vẫn đau đáu “mót” từng đồng lời mong sao đến ngày trả hết món nợ tiền năm cũ.