Tâm tình của những người dân từ phương xa về quê

11/10/2021 - 06:12

BDK - Từ ngày 1-10-2021 đến 6 giờ ngày 9-10-2021, có 20.110 người dân từ các nơi về quê đi qua cầu Rạch Miễu; trong đó, có 6.049 người dân của tỉnh Bến Tre và 14.061 người dân ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… Cơ quan chức năng đã tiến hành các thủ tục tiếp nhận, đưa người dân trong tỉnh đến các khu vực cách ly và người dân ngoài tỉnh đến địa bàn tỉnh Trà Vinh đảm bảo an toàn. Trong số hàng ngàn người dân về quê lần này, mỗi người có việc làm, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng có chung mong muốn rất thiết tha và chính đáng là được trở về quê nhà sớm nhất.

Chị N.T.N. Lan và cháu bé 17 tháng tuổi.

Chị N.T.N. Lan và cháu bé 17 tháng tuổi.

Vợ chồng chị N.T.N. Lan, anh N.V. Nghĩa (34 tuổi), quê xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, đi xe máy về tới cầu Rạch Miễu vào chiều tối ngày 4-10-2021. Trong đêm mưa, anh chị che lều bằng cây dù (đem theo) để nghỉ qua đêm cùng với đứa con nhỏ 17 tháng tuổi (thời điểm này cơ quan chức năng chưa làm mái nhà tạm tại chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu).

Ba năm trước, anh chị gửi đứa con gái lớn 9 tuổi cho bà ngoại nuôi rồi khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Anh Nghĩa làm phụ hồ, chị Lan làm công nhân cho một cơ sở sản xuất giày da ở quận Bình Tân. Hàng tháng, sau khi trang trải tiền thuê nhà trọ, tiền điện, nước, anh chị nhín nhúc được hơn 2 triệu đồng gửi về cho cha mẹ già (60 tuổi). Từ khi xảy ra dịch bệnh, hơn 3 tháng vợ chồng anh chị không có việc làm. Cả nhà 3 người cùng với con nhỏ sống lây lất qua ngày bằng số tiền dành dụm cuối cùng và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương nơi tạm trú. “Vợ chồng tôi muốn về quê nhiều lần nhưng không được vì phải thực hiện giãn cách xã hội, nay về được tới đây rồi mừng lắm”, chị Lan chia sẻ.

Anh N.Q. Huy (35 tuổi) chở “bà bầu” bằng xe máy về tới chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu lúc chiều tối 4-10-2021. Vợ chồng anh có một đêm chống chọi với mưa. Hơn 2 năm trước, anh chị tạm biệt quê nhà (xã An Điền, huyện Thạnh Phú) lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho một công ty sản xuất phụ kiện điện thoại di động. “Lúc chưa xảy ra dịch bệnh, hàng tháng vợ chồng tôi chi tiêu tiết kiệm còn gửi chút đỉnh về cho cha mẹ nuôi đứa con lớn 7 tuổi. 4 tháng nay thất nghiệp, phải đóng tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt cao… chịu hết nổi nên chúng tôi đành phải về quê”, anh Huy bày tỏ.

Trước khi về quê, vợ chồng anh đã test nhanh (chi phí 260 ngàn đồng/người), trong túi còn hơn 100 ngàn để dành đổ xăng hoặc vá xe (nếu dọc đường xe gặp sự cố). Chị Hằng (vợ anh) có thai đã gần 5 tháng, anh chị chưa có dự tính trở lại TP. Hồ Chí Minh. “Chừng vợ tôi sinh con xong rồi tính tiếp”, anh Huy cho biết.

 Gia đình 6 người cùng với đứa con 4 tuổi của chị H.T. Thu (45 tuổi) đi từ TP. Hồ Chí Minh tới Bến Tre (cầu Rạch Miễu) lúc 13 giờ ngày 7-10-2021. Gặp cơn mưa lớn kéo dài và có gió mạnh, họ phải dùng vải nhựa để che chắn thêm vì mái che không đủ sức để ngăn nước. 6 năm trước, chị Thu và các chị em trong gia đình (tổng cộng 6 người, cùng ở thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú) lên TP. Hồ Chí Minh thuê nhà buôn bán thức ăn nhanh. Chị Thu cho biết: “Cả nhà tôi đã tiêm vắc-xin đủ 2 mũi, trừ đứa con còn nhỏ và đã test xong mới về quê. Giờ đây phải cách ly tập trung, chúng tôi sẽ cố gắng chờ hết thời gian theo quy định. Chúng tôi mong sớm được về nhà vì có người thân đang bệnh nặng”.

Khi biết cả nhà phải cách ly tập trung tại Trường THPT Nguyễn Thị Định, lúc đầu chị Thu còn e ngại. Sau khi được lực lượng chức năng giải thích về việc thực hiện theo chủ trương phòng chống dịch bệnh, đảm bảo giữ vững “vùng xanh” của tỉnh, chị đã đồng ý.

Trên đây là những hoàn cảnh cụ thể trong số hàng ngàn người dân từ nơi khác trở về quê. Còn nhiều và rất nhiều hoàn cảnh khác như trường hợp của anh Thành (40 tuổi) đưa người vợ bị bệnh tâm thần về quê xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại; trường hợp của anh Nhớ (39 tuổi) một mình “cưỡi ngựa sắt” từ TP. Hồ Chí Minh về xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Hoặc trường hợp của chị Đậm (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) nhiều lần về quê không được, sau đó, chị đã thuê xe ô tô chở từ TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về với giá 9 triệu đồng. Xe đưa về tới chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu, chị Đậm phải điện thoại nhờ người thân ở quê mượn tiền đem lên để chị trả tiền thuê xe.  “Em bị kẹt ở Buôn Ma Thuột mấy tháng nay. Xe chở khách chưa chạy, em nôn nóng về quê nên làm liều thuê xe ô tô đi”, chị Đậm chia sẻ.

Người dân tỉnh lẻ rời xa quê lên TP. Hồ Chí Minh đi làm thuê với mục đích kiếm tiền để cuộc sống khấm khá lên. Dịch bệnh xảy ra, mất việc làm, nhiều người dân muốn về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nhiều người bày tỏ rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của mọi người.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN