Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của hộ anh Nguyễn Văn Sang, ấp Giồng Lực, xã Tân Lợi Thạnh.
Tân Lợi Thạnh là xã còn nhiều khó khăn của huyện Giồng Trôm, đời sống của người dân chủ yếu là làm vườn, trồng dừa kết hợp với chăn nuôi. Toàn xã có 7 ấp, 2.302 hộ dân với 7.112 nhân khẩu, sinh hoạt tại 86 tổ nhân dân tự quản. Theo số liệu điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn xã có 125 hộ nghèo với 392 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 5,43%; 29 hộ cận nghèo với 97 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,26%. Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị xã đặc biệt quan tâm, nhất là khi xã đang đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Trên cơ sở số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ tháng 3-2023, UBND xã Tân Lợi Thạnh đã ban hành Kế hoạch số 200 về việc phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững năm 2023; Kế hoạch số 199 về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 452 của UBND tỉnh trên lĩnh vực này. Theo đó, Ban Quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia xã được củng cố, có sự phân công cụ thể cho từng thành viên, từng cán bộ, đảng viên phụ trách, hỗ trợ từng ấp, đến từng hộ nghèo với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với hộ nghèo. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phân công hỗ trợ từng địa chỉ cụ thể. Theo đó, địa phương đã xác định và đưa vào Đề án đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững trong năm 2023 với 35 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, Hội Nông dân phụ trách, hỗ trợ 9 hộ, Hội Cựu chiến binh 6 hộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 11 hộ, Đoàn thanh niên 9 hộ.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai, rà soát và thể theo nguyện vọng của người nghèo, xây dựng kế hoạch và mô hình sinh kế. Phát huy hiệu quả mô hình nuôi dê sinh sản của Hội Nông dân xã thực hiện đối với 13 hộ nghèo từ năm 2020, 2022 và 2023, các hội, đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình sinh kế và triển khai thực hiện như mô hình nuôi bò, nuôi dê sinh sản với 39 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia do Hội Nông dân đề xuất.
Ngoài ra, Ban Quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia xã cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo bền vững khác như phối hợp với các ngành liên quan của huyện, mở 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò, dê và gà. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 37 hộ để tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tính đến tháng 3-2023, địa phương đã phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 522 hộ vay vốn ưu đãi cho sản xuất, việc làm, nước sạch, môi trường, nhà ở, đi học và hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền hơn 13,5 tỷ đồng. Trong đó, có 110 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo và 59 hộ mới thoát nghèo…
Phó chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh Phạm Minh Hiếu cho biết: Với sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và huyện Giồng Trôm, sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần “hết lòng vì người nghèo” của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, công tác an sinh xã hội, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững trên địa bàn đã đi vào thực chất, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua theo dõi, dự kiến đến cuối năm 2023, địa phương có 35 hộ thoát nghèo bền vững. Điều này góp phần để Tân Lợi Thạnh kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt theo chuẩn NTM.
Địa phương đã gia hạn và tăng hạn cho 307 thẻ bảo hiểm y tế thuộc nhân khẩu hộ nghèo; lập danh sách 81 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; cấp 154 giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp con em được miễn giảm chi phí học tập. Xây dựng và bàn giao 11 căn nhà tình thương với tổng kinh phí 550 triệu đồng. Có 12 hộ vay vốn thực hiện 12 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn. Thăm và tặng 643 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… |
Bài, ảnh: Thành Lập