Trở lại xã Tân Thanh (Giồng Trôm) sau những ngày đầu xuân Quý Tỵ, vườn lài bên đường nở trắng bông, tinh khiết mùi hương trong nắng sớm. Thành tích lớn nhất của xã trong năm 2012 là đã xây dựng thành công xã văn hóa và đang từng bước tiến hành xây dựng xã nông thôn mới.
Đường thông thoáng, đồng ruộng, vườn cây xanh tươi, sạch đẹp, tạo ấn tượng đẹp đối với những ai đến nơi đây. Tuy vậy, Tân Thanh là xã thuần nông nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Anh Trần Thanh Trung - Chủ tịch UBND xã lý giải về những nguyên nhân khó khăn của Tân Thanh: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa có điều kiện phát triển. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi Tân Thanh là vùng đất kém màu mỡ, nhiều giồng cát; giá cả các mặt hàng nông sản thời gian qua không ổn định. Tổng diện tích của Tân Thanh là 1.717ha, trong đó có 742ha lúa, 459ha dừa, 175ha cây ăn trái, 95ha rau màu. Lãnh đạo và người dân nơi đây đã nỗ lực tìm giải pháp để tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân đã hợp tác với nhau để sản xuất lúa giống; nhiều hộ dân trồng hoa lài để bán bông; trồng xen cacao trong vườn dừa; tận dụng đất giồng cát, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng hoa màu… Những linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm đó đã giúp Tân Thanh tăng thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng/năm vào năm 2011 lên 17 triệu đồng/năm vào cuối năm 2012, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,1% vào năm 2011 xuống còn 10,8% vào cuối năm 2012.
Dù là một xã khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế chậm, nhưng năm 2012 Tân Thanh đã hoàn tất các tiêu chí xây dựng xã văn hóa. Phấn khởi về kết quả này, anh Trần Thanh Trung cho biết, đó chính là niềm cổ vũ lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thanh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới hiện nay. Khó khăn là vậy, nhưng trong thực hiện các tiêu chí xã văn hóa ở nơi đây đã nhận được sự đồng tình, có sức đóng góp rất lớn của người dân, nhất là trong xây dựng giao thông nông thôn. Chỉ trong năm 2012, toàn xã đã xây lắp 5,7km đường bê-tông, 4 cầu (68m), tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng; trong đó người dân đóng góp hơn 232 triệu đồng và 522 ngày công lao động. Giao thông thuận lợi hơn trước cũng đã tạo được điều kiện, tiền đề cho phát triển thương mại dịch vụ và kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…
Trong chuyến thăm và chúc Tết của lãnh đạo tỉnh đối với các xã có điều kiện khó khăn trong phát triển kinh tế, đồng chí Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được từ sự phấn đấu của lãnh đạo và nhân dân Tân Thanh trong xây dựng thành công xã văn hóa, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời, đồng chí Cao Văn Trọng cũng đã gợi ý một số vấn đề cần quan tâm để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đưa Tân thanh thoát khỏi hoàn cảnh là xã khó khăn, như: đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết giữa các hộ dân trong sản xuất; phát huy hiệu quả của mô hình trồng cây lài; nhân rộng các mô hình trồng xen trong vườn dừa; phát triển đàn bò…
Trong chiến lược phát triển của mình, Tân Thanh vẫn lấy nông nghiệp làm trọng tâm, chú trọng việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tiến tới xây dựng xã nông thôn mới trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xã sẽ hoàn thiện. Mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa giống, thành lập Tổ sản xuất cây lài và Tổ trồng màu. Hiện nay, Tổ sản xuất lúa giống hoạt động khá hiệu quả, Tổ trồng màu đã được huyện ghi nhận hỗ trợ bằng Dự án vườn rau an toàn trong thời gian tới. Riêng đối với cây lài, những năm gần đây được nhiều hộ dân trồng và bước đầu cho hiệu quả khả quan, với diện tích khoảng 37ha. Qua khảo sát, người dân rất đồng tình với việc thành lập tổ sản xuất. Tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, có sự liên kết, phân công giữa các khâu để có được sản lượng lớn, ổn định về chất lượng, dễ tìm thị trường tiêu thụ, giá cả hợp lý..., là những vấn đề mà người trồng lài ở Tân Thanh đang rất quan tâm. Hiện tại, do chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, nên giá hoa lài ở Tân Thanh trong năm 2012 có lúc trên 200 ngàn đồng/kg nhưng cũng có lúc chỉ còn 12 ngàn đồng/kg, người dân chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích.
Bên cạnh việc chú trọng các giải pháp cho phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới, xã sẽ tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong điều kiện của mình, Tân Thanh sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với nguồn nguyên liệu và lao động tại địa phương, như: xay xát, sản xuất bánh phồng, các sản phẩm từ dừa… góp phần giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân. Về thương mại - dịch vụ, xã sẽ chú trọng việc nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
Với điều kiện khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tân Thanh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện bằng Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo (DBRP), các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đó chính là những điều kiện “cần”, còn sự nỗ lực, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo và người dân sẽ là điều kiện “đủ” để Tân Thanh thoát khỏi hoàn cảnh xã khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.