
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện trong “Ngày Chủ nhật nông thôn mới“ hàng tháng.
Xây dựng môi trường sống nông thôn an toàn, bền vững
Mục tiêu của Chương trình 925 nhằm thực hiện hiệu quả nội dung BVMT, ATTP&CNSNT trong xây dựng NTM, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống…
Thực hiện chương trình, tỉnh đã thi công và đưa vào sử dụng các công trình nước sạch như: mở rộng tuyến ống cấp nước từ nhà máy nước Hòa Lợi, xã Hòa Lợi (Thạnh Phú); xây dựng mạng tuyến ống phân phối cấp nước khu vực cù lao Long Thành thuộc xã Sơn Phú và xã Hưng Phong (Giồng Trôm); mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước huyện Thạnh Phú (xã Thạnh Phong). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 99,9%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt khoảng 78,9%.
Toàn tỉnh có 31,5% hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 77,5% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý. Tỉnh đang rà soát, xây dựng phương án xử lý nước thải sinh hoạt, lồng ghép trong quy hoạch xây dựng NTM của xã và triển khai thực hiện các công trình thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt theo phương án đã được xây dựng.
Về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, tỉnh triển khai mô hình “Cùng nông dân BVMT”. Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện môi trường đạt kết quả cao từ 85 - 98%.
Tỉnh có 56 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 10% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.
Về ATTP nông lâm thủy sản, tổng số cơ sở thuộc diện ký cam kết 100.762/114.940 cơ sở, đạt 87,7%; tổng số cơ sở thuộc diện cấp giấy ATTP 1.947/2.211 cơ sở, đạt 88,1%.
Nhiều giải pháp được triển khai thực hiện
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, thời gian qua, công tác truyền thông và nâng cao năng lực thực hiện Chương trình 925 được thực hiện lồng ghép vào công tác truyền thông chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo quy định của Trung ương, việc quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là cần thiết. Linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện chương trình và tổ chức hiệu quả “Ngày Chủ nhật NTM” tạo tính lan tỏa, sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh tiến độ trong xây dựng NTM. Rà soát, cập nhật, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về cấp nước và BVMT phù hợp với điều kiện của địa phương theo hướng giảm chi phí đầu tư và vận hành, kỹ thuật vận hành đơn giản, thân thiện với môi trường.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã giúp người dân từng bước nhận thức đúng hơn về ý nghĩa, mục đích và vai trò chủ thể của mình khi tham gia đóng góp khá lớn, tự thực hiện các phần việc của hộ gia đình như: chỉnh trang nhà cửa, tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; đóng góp đất đai, hoa màu, vật chất để thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với các phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chương trình, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn liên quan đến việc xử lý rác thải, đầu tư hệ thống xử lý nước thải…
Từ thực tế trên, Sở NN&PTNT tiếp tục có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng BVMT, trong đó có hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hạ tầng BVMT làng nghề. Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ địa phương về công nghệ xử lý rác thải, phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp và xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp trên địa bàn tỉnh…
Bài, ảnh: Phương Thảo