
Các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho vay để phát triển sản xuất và tiêu dùng.
Mở rộng tín dụng
Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành công an đã mời gọi, giáo dục răn đe, buộc viết cam kết không vi phạm pháp luật và tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý đối với 3 nhóm 17 đối tượng, 6 công ty kinh doanh dịch vụ tài chính đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng cũng tiếp tục rà soát các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động TDĐ để đưa vào diện quản lý, tăng cường công tác kiểm tra để xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ. Điển hình như kiểm tra hành chính nhà trọ ở xã Mỹ Thạnh An và nhà trọ ở Phường 7, TP. Bến Tre. Kết quả, phát hiện 9 đối tượng, hầu hết các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Bắc. Qua kiểm tra, đơn vị chức năng đã phát hiện, tạm giữ nhiều sổ sách ghi chép, giấy tờ liên quan đến hoạt động cho vay, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Đơn vị chức năng cũng tiến hành bắt quả tang, mời làm việc 11 đối tượng có hành vi phát, dán tờ rơi quảng cáo cho vay trên các tuyến giao thông, thu giữ nhiều tờ rơi cho vay...
Ông Lê Công Thành - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Để góp phần hạn chế người dân tìm đến TDĐ, ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, mở rộng mạng lưới hoạt động về vùng nông thôn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân. Đến nay, toàn ngành ngân hàng có 29 chi nhánh, 61 phòng giao dịch ngân hàng và 9 quỹ tín dụng nhân dân. Mạng lưới ngân hàng hiện có mặt ở 9 huyện, thành phố với tổng dư nợ cho vay đạt trên 31 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo ông Lê Công Thành, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã bắt đầu triển khai gói tín dụng tín chấp 5 ngàn tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, lãi suất cho vay ngắn hạn 6%/năm, hạn mức cho vay tối đa đến 30 triệu đồng, đặc biệt là thời gian xem xét cho vay ngay trong ngày khi nhận đủ hồ sơ. Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho 32 khách hàng vay theo chương trình này với tổng số tiền 773 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống các đối tượng chính sách; thực hiện nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo (từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên 120 tháng).
Chấn chỉnh hoạt động tài chính
Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn tín dụng của khách hàng, không để vốn ngân hàng phục vụ cho TDĐ; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ tín dụng có hành vi cấu kết, tiếp tay với các đối tượng cho vay nặng lãi đáo hạn ngân hàng.
Ông Lê Công Thành cho biết, ngoài tăng cường vốn cho vay của các ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đã tập trung chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính trên địa bàn bằng các giải pháp cụ thể như: tổ chức khảo sát hoạt động của các điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính; tổ chức buổi làm việc để chấn chỉnh các mặt tồn tại, hạn chế, yêu cầu các công ty tài chính thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động quảng cáo, tiếp thị và cho vay tiêu dùng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, không để hoạt động TDĐ trà trộn, núp bóng dưới hình thức cộng tác viên công ty tài chính.
Qua theo dõi tình hình thực hiện của các ngành, địa phương trên địa bàn, việc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi TDĐ hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Các quy định pháp luật về xử lý hành vi liên quan đến TDĐ theo báo cáo của ngành công an còn nhiều bất cập, khó áp dụng trong thực tiễn, hiện đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, vốn ngân hàng tuy đáp ứng phần lớn nhu cầu vốn của người dân nhưng không thể đáp ứng những nhu cầu vốn không hợp pháp, không đủ điều kiện để cho vay theo quy định của pháp luật. Các đối tượng này thường tìm đến TDĐ.
Hiện nay, lãi suất cho vay của các công ty tài chính đang ở mức rất cao, trung bình từ 60 - 80%/năm. Tuy nhiên, hiện không có chế tài để xử lý (do các công ty tài chính được áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng). Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương đã mở các đợt ra quân tháo gỡ, tiêu hủy các tờ rơi, áp phích quảng cáo cho vay không đúng quy định trên các tuyến đường, nơi công cộng. Đến nay, hoạt động quảng cáo bất hợp pháp như trên cơ bản đã được kiểm soát, không còn phổ biến như trước. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc