BDK - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Văn Lĩnh cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố triển khai một số giải pháp sớm ngăn chặn việc lây lan cũng như tiếp tục kiểm soát tốt đối tượng sâu đầu đen (SĐĐ) hại dừa trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với UBND các huyện tăng cường công tác nhân nuôi ong ký sinh (OKS) để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm SĐĐ đảm bảo phòng trừ hiệu quả và bền vững.
Vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú (ảnh chụp tháng 8-2024). Ảnh: T. Thảo
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Văn Lĩnh, khi phát hiện SĐĐ gây hại trên vườn dừa, người dân cần thông báo cho chính quyền địa phương và ngành chuyên môn để kịp thời xử lý. Để công tác phòng trừ SĐĐ đạt hiệu quả cao, cần đánh giá đúng mức độ nhiễm để chọn biện pháp thực hiện phù hợp.
Đối với vườn dừa nhiễm nhẹ (tỷ lệ hại < 20%): Bước 1: Cắt tỉa và tiêu hủy các tàu/lá chét nhiễm sâu. Bước 2: Phóng thích OKS nhiều lần và theo dõi đến khi không có triệu chứng gây hại mới. Vườn dừa nhiễm trung bình (có tỷ lệ hại từ 20 - 40%): Bước 1: Cắt tỉa và tiêu hủy tàu/lá chét nhiễm sâu. Bước 2: Phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) 1 lần bằng một trong các loại thuốc được hướng dẫn. Bước 3: Phóng thích OKS sau khi phun thuốc 2 tuần, theo dõi và phóng thích bổ sung đến khi phục hồi hoàn toàn. Vườn dừa nhiễm nặng (có tỷ lệ hại > 40%): Bước 1: Cắt tỉa và tiêu hủy tàu nhiễm sâu. Bước 2: Phun thuốc BVTV 2 lần bằng một trong các loại thuốc được hướng dẫn. Bước 3: Phóng thích OKS sau phun thuốc 2 tuần, theo dõi và tiếp tục phóng thích bổ sung đến khi phục hồi hoàn toàn. Đối với vườn dừa canh tác hữu cơ, thực hiện cắt tỉa tàu/lá chét và tiêu hủy bằng cách dìm xuống nước và thả OKS.
Biện pháp quản lý tổng hợp cần thực hiện theo thứ tự, đầu tiên là biện pháp canh tác. Kế đến là biện pháp hóa học (khi cần thiết). Cuối cùng là biện pháp sinh học. Cụ thể như sau:
Biện pháp canh tác: Cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ phụ (cau, dừa nước, cọ, chuối...). Tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước, nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp rất quan trọng, hiệu quả (diệt cả trứng, sâu non và nhộng), an toàn môi trường và cần phải thực hiện ngay khi phát hiện SĐĐ gây hại. Bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón, giúp cây khỏe để nhanh phục hồi sau khi bị gây hại. Không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm SĐĐ sang các vùng khác để hạn chế lây lan.
Biện pháp hóa học: Khi phát hiện vườn dừa bị hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá/lá chét bị sâu hại trước khi phun thuốc BVTV, phun khoảng 4 - 5 lít nước thuốc cho 1 cây dừa nguyên tán lá. Đối với cây dừa đã được cắt tỉa tàu thì lượng nước thuốc có thể giảm nhưng vẫn đảm bảo phun ướt đẫm mặt dưới lá để giảm mật số sâu. Sau phun thuốc từ 2 tuần trở lên tiến hành phóng thích OKS và ngừng phun thuốc.
Qua kết quả khảo nghiệm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Hoạt chất Emamectin benzoate như Angun 5WG nồng độ 16 gam/25 lít; Proclaim 5WG nồng độ 10 gam/25 lít, Actimax 50WG nồng độ 15 gam/25 lít. Hoạt chất Lufenuron như Match 050EC, nồng độ 20 ml/25 lít. Hoạt chất Spirotetramat như Movento 150 OD, nồng độ 15 ml/25 lít. Hoạt chất Spinetoram như Radiant 60SC, nồng độ 24 ml/25 lít nước. Hoạt chất Flubendiamide như Takumi 20WG, nồng độ 8 gam/25 lít. Riêng đối với vườn dừa có nuôi xen, gần nhà nên sử dụng một trong hai loại Radiant 60SC hoặc Takumi 20WG, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến người, vật nuôi và môi trường.
Lưu ý, tuyệt đối không phun ngừa thuốc trừ sâu khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại của SĐĐ hoặc phun định kỳ ngừa bọ vòi voi, bọ dừa, đuông.
Biện pháp sinh học: Hiện nay, có 2 loài OKS có kích thước nhỏ được nhân nuôi để phóng thích kiểm soát SĐĐ hại dừa là Bracon hebetor ký sinh ấu trùng SĐĐ (OKS ấu trùng) và Trichospilus pupivorus ký sinh nhộng SĐĐ (OKS nhộng). Sau khi được phóng thích, OKS sẽ ký sinh làm chết ấu trùng hoặc nhộng SĐĐ. Từ đó, gia tăng số lượng ong ngoài tự nhiên, cụ thể: Bracon hebetor loài ký sinh ấu trùng (sâu non) trên các loài thuộc bộ cánh vảy (sâu bướm). Con cái tiêm độc tố làm tê liệt ấu trùng SĐĐ, đẻ trứng lên cơ thể sâu, sau 10 - 14 ngày trên mỗi con SĐĐ bị ký sinh sẽ nở ra từ 13 - 18 con ong mới, con cái sẽ tiếp tục tìm kiếm và ký sinh trên cá thể SĐĐ khác trên vườn dừa, 1 con ong cái sống khoảng 23 ngày và đẻ khoảng 100 quả trứng.
Trichospilus pupivorus là loài ký sinh nhộng trên nhiều loài gây hại nông nghiệp, trong đó có SĐĐ. Con cái đẻ trứng vào nhộng SĐĐ và phát triển vòng đời trong cơ thể nhộng. Sau 15 - 17 ngày, trên mỗi nhộng SĐĐ sẽ nở ra từ 40 - 50 con OKS khác, ong cái tiếp tục tìm nhộng SĐĐ để sinh sản. 1 con ong cái sẽ ký sinh khoảng 3 - 5 nhộng trong suốt thời gian sống của nó.
Một số lưu ý khi phóng thích OKS: Không phóng thích ngừa khi chưa có triệu chứng sâu hại vì OKS sẽ không sinh sản được khi không có ký chủ và không sống lâu nên không có hiệu quả ngừa sâu. Phóng thích ong vào thời điểm lặng gió, ở nơi ít nắng, hạn chế bị ướt mưa và không có kiến gây hại. Phóng thích khi ong nở đều, không để ong nở trong hộp quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức sống và khả năng sinh sản của ong. Phóng thích trên các vườn dừa không phun thuốc BVTV hoặc đã cách ly khoảng 14 ngày trở lên và không phun thuốc lặp lại. Cần kết hợp biện pháp canh tác và biện pháp hóa học (khi cần thiết) trước khi phóng thích OKS để đảm bảo hiệu quả kiểm soát nhanh và hạn chế ảnh hưởng sinh trưởng cũng như năng suất vườn dừa bị nhiễm.