Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản
23/10/2024 - 05:24
BDK - Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi thủy sản 46.128ha, sản lượng đạt 254.691 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển 35.580ha, sản lượng đạt trên 111 ngàn tấn. Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) 3.509ha, sản lượng đạt 187 ngàn tấn, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha. Nuôi cá tra thâm canh, diện tích đạt 685ha, sản lượng trên 86,2 ngàn tấn. Mô hình nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa và mương vườn được người dân tập trung thả giống đạt 150ha, sản lượng 1.076 tấn. Nuôi nhuyễn thể, diện tích đạt 5.200ha, sản lượng trên 12,2 ngàn tấn.
Trên địa bàn tỉnh có 79 cơ sở giống tôm nước lợ, trong đó có 3 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, công suất đạt từ 2 - 4 tỷ giống/năm/trại, còn lại là 76 cơ sở ương dưỡng giống tôm sú quy mô nhỏ, góp phần cung ứng tôm giống cho địa phương và khu vực lân cận. Có 122 hộ ương dưỡng, sản xuất giống nghêu, sò. Hoạt động sản xuất giống chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình và sản xuất theo mùa vụ.
Công tác quan trắc môi trường được quan tâm, chủ yếu là quan trắc môi trường nước cấp cho vùng nuôi tôm thâm canh các chỉ tiêu về môi trường như độ trong, pH, nhiệt độ, độ mặn, DO, NH3, H2S; quan trắc về mầm bệnh đốm trắng, AHPND, IHHNV. Đến nay đã thu 864 mẫu giáp xác, 231 mẫu nước trên địa bàn huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Qua kết quả phân tích tổng số mẫu nhiễm bệnh là 539 mẫu, trong đó tỷ lệ mẫu giáp xác nhiễm đốm trắng là khá cao, riêng kết quả đo các chỉ tiêu môi trường nước nằm trong ngưỡng phù hợp. Ngay sau khi có kết quả của mỗi đợt phân tích, ngành có khuyến cáo gửi địa phương thông báo người dân biết và vận dụng trong sản xuất. Phối hợp với địa phương đề xuất hộ nuôi tôm ứng dụng CNC có nhu cầu chứng nhận BAP, ASC trên con tôm tại huyện Bình Đại. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bàn phương án hỗ trợ cơ sở nuôi tôm ứng dụng CNC này chứng nhận tiêu chuẩn BAP, ASC trên con tôm.
Đến nay, có 5.439ha thủy sản nuôi theo chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như MSC trên nghêu (4.200ha), BAP (491ha) trên tôm, cá tra, ASC (748,7ha) đối với tôm nước lợ, cá tra, cá chẽm. Lượng tôm giống kiểm dịch xuất tỉnh đạt 903,18 triệu con.
Trên tôm nước lợ, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính gây thiệt hại 275,53ha, chiếm 43,43% diện tích nuôi tôm bị bệnh. Bệnh đốm trắng gây thiệt hại 233,83ha, chiếm 36,85% diện tích nuôi bị bệnh. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô gây thiệt hại 125,10ha, chiếm 19,72% diện tích nuôi tôm bị bệnh.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phan Trung Nghĩa, dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh trên tôm sẽ vẫn còn xảy ra, đặc biệt là các bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng.
Khống chế dịch bệnh hiệu quả
Trên cá tra, đầu năm 2024 đến nay chưa ghi nhận các ổ dịch trên cá tra nuôi. Các bệnh như gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra xảy ra quanh năm ở mức độ nhỏ lẻ từ lúc thả đến khi thu hoạch. Kết quả giám sát chủ động năm 2024 cho thấy vẫn có sự lưu hành của tác nhân gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trong ao nuôi cá tra. Tuy nhiên, bệnh có thể được khống chế và không ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của nghề nuôi cá tra nếu phát hiện và xử lý sớm. Cá rô phi phát triển bình thường, chưa ghi nhận báo cáo về trường hợp cá chết nhiều bất thường từ vùng nuôi. Tuy nhiên, qua giám sát chủ động năm 2024 vẫn có sự lưu hành tác nhân gây bệnh TiLV trong ao nuôi, bè nuôi cá trong tất cả các giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, do được phát hiện và khuyến cáo kịp thời nên được khống chế hiệu quả.
Diện tích nhuyễn thể thiệt hại là 35ha. Kết quả xét nghiệm các mẫu nghêu chết cho thấy không có tác nhân gây bệnh Perkinsus trong các mẫu kiểm tra. Nhận định nghêu chết do chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường.
Thời gian qua, Chi cục Thú y đã giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm giống: thu 55/100 mẫu thực hiện xét nghiệm 5 chỉ tiêu bệnh (WSSV, IHHNV, AHPND, IMV, EHP), kết quả tất cả các mẫu đều âm tính đối với các chỉ tiêu xét nghiệm. Giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm thương phẩm, thực hiện thu được 180 mẫu/240 mẫu, xét nghiệm 5 chỉ tiêu bệnh nêu trên, kết quả có 31/150 mẫu dương tính với chỉ tiêu EHP, 01/180 mẫu dương tính với chỉ tiêu IHHNV, 6/180 mẫu dương tính với chỉ tiêu WSSV, 2/180 mẫu dương tính với chỉ tiêu AHPND. Giám sát chủ động dịch bệnh trên cá tra, thực hiện thu 64 mẫu/4 đợt, xét nghiệm 2 chỉ tiêu phát hiện bệnh gan thận mủ và xuất huyết. Kết quả có 3/64 mẫu dương tính với tác nhân gây bệnh xuất huyết do Aeromonas Hydrophila. Giám sát chủ động dịch bệnh trên nhuyễn thể, thực hiện thu và xét nghiệm 20 mẫu/5 đợt để kiểm tra chỉ tiêu ký sinh trùng Perkinsus. Kết quả có không phát hiện thấy ký sinh trùng Perkinsus trong các mẫu kiểm tra.